Du lịch trở thành trọng tâm phát triển bền vững
UNWTO cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) xây dựng lộ trình đưa du lịch trở thành trụ cột trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Trước khi Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 diễn ra, Bộ Du lịch Ấn Độ đã làm việc cùng UNWTO hoàn thiện Bảng thông tin Du lịch G20 và các Mục tiêu phát triển bền vững (Tiếng Anh: G20 Tourism and SDGs Dashboard). Công cụ này góp phần thúc đẩy việc xây dựng và triển khai các chính sách và sáng kiến du lịch hướng tới một tương lai tốt đẹp và bền vững cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Trong 17 mục tiêu bền vững toàn cầu có thể kể tới: xoá nghèo, xoá đói, chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch và bền vững, đảm bảo cuộc sống khoẻ mạnh, công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng...
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh: “Khi du lịch phục hồi trở lại gần mức trước đại dịch, chúng ta phải đảm bảo rằng quá trình phục hồi diễn ra bền vững, toàn diện và kiên cường”. Ông Pololikashvili nói thêm: “Các quốc gia G20 đại diện cho hơn 70% ngành Du lịch trên toàn thế giới, nên sự lãnh đạo của họ trong việc chuyển đổi lĩnh vực này theo hướng bền vững hơn có ý nghĩa quyết định. Bảng thông tin Du lịch G20 và các Mục tiêu phát triển bền vững là kết quả cụ thể của Nhóm Công tác Du lịch G20 và là công cụ tham khảo cho tất cả mọi người.”
Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Shri Narendra Modi đã cam kết ủng hộ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả du lịch. Ông Shri G. Kishan Reddy, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Văn hóa và Phát triển Khu vực Đông Bắc, chính phủ Ấn Độ, khẳng định: “Bảng thông tin Du lịch G20 và các Mục tiêu phát triển bền vững là minh chứng cho những bước tiến kỹ thuật số của Ấn Độ và đóng vai trò là ngọn hải đăng về kiến thức cho tất cả các bên liên quan thuộc khu vực công và tư trên toàn cầu. Công cụ này cung cấp vô số thông tin kiến thức và giới thiệu các phương pháp hay nhất, nhằm mục đích thúc đẩy ngành Du lịch hướng tới sự bền vững, khả năng phục hồi và tính toàn diện cao hơn”.
Theo lộ trình đặt ra, ngành Du lịch các quốc gia G20 cần ưu tiên năm lĩnh vực chính, đó là du lịch xanh, chuyển đổi số, kỹ năng, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), quản lý điểm đến. Đây là bài học kinh nghiệm được rút ra từ hơn 20 nghiên cứu điển hình trên 5 lĩnh vực này tại các quốc gia trong những năm qua. Thông tin về các chính sách, sáng kiến du lịch sẽ liên tục được cập nhật qua các năm để tăng cường nguồn tài liệu tham khảo cho ngành Du lịch toàn cầu.
Du lịch Ấn Độ hướng tới sự bền vững. (Nguồn: UNWTO) |
Cụ thể, lĩnh vực du lịch xanh nhấn mạnh sự cần thiết của chuỗi các hành động về khí hậu, bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế. Lĩnh vực chuyển đổi số đưa ra các giải pháp về việc hỗ trợ các doanh nghiệp và điểm đến áp dụng số hoá, nâng cao năng suất, cải thiện quản lý cơ sở hạ tầng và mang lại trải nghiệm cho du khách an toàn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, lĩnh vực kỹ năng là một trong những ưu tiên cốt lõi của UNWTO, khuyến nghị các quốc gia cung cấp môi trường đào tạo và làm việc phù hợp cho lao động du lịch, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ, để tạo ra thị trường việc làm du lịch phù hợp với nhu cầu tương lai và hấp dẫn nhiều lao động theo đuổi.
Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm 80% tổng số doanh nghiệp du lịch trên toàn thế giới, bảng thông tin nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách công và quan hệ đối tác công tư trong việc giải quyết các thách thức chính, bao gồm khoảng cách về tài chính, tiếp thị và kỹ năng, khả năng tiếp cận thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp này thông qua quá trình chuyển đổi số bền vững. Đối với lĩnh vực quản lý điểm đến, bảng thông tin đề xuất nhiều giải pháp khác nhau để tạo ra một cách tiếp cận toàn diện, tăng cường quan hệ đối tác công - tư - cộng đồng ở điểm đến.
Xu hướng du lịch phiêu lưu mạo hiểm có trách nhiệm
Những năm gần đây, loại hình du lịch phiêu lưu mạo hiểm (adventure tourism) là một trong những xu hướng nổi bật trong ngành Du lịch Ấn Độ. Theo tờ Outlook India, các mô hình du lịch phiêu lưu mạo hiểm có trách nhiệm tại Ấn Độ có thể trở thành những ví dụ điển hình về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc.
Sau sự kiện Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20, Ấn Độ dự kiến sẽ đón khoảng 15 triệu khách quốc tế (inbound) vào năm 2024 chỉ riêng với mục đích du lịch phiêu lưu mạo hiểm, doanh thu dự kiến đạt tới 30 tỷ USD. Với quy mô thị trưởng lớn và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, ngành Du lịch Ấn Độ xác định, loại hình du lịch phiêu lưu mạo hiểm không chỉ là thị trường ngách của du lịch mà còn có thể trở thành thị trường tiên phong, làm hình mẫu cho các loại hình du lịch khác về cách tiếp cận bền vững và phát triển. Tầm nhìn của các nhà quản lý du lịch nước này là tạo ra 140 triệu việc làm vào năm 2030, với mức doanh thu đạt tới 56 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ngành mỗi năm đạt 20%. Với sáng kiến “Make in India”, chính phủ đảm bảo 60% - 90% doanh thu phải thuộc cộng đồng địa phương, nhằm củng cố vị thế kinh tế của họ.
Đáng nói, ngành Du lịch Ấn Độ năm 2018 đã tôn vinh tầm quan trọng của du lịch phiêu lưu mạo hiểm, nhằm đưa Ấn Độ trở thành một trong số 10 điểm đến hàng đầu toàn cầu vào cuối thập kỷ này. Thông qua các giải pháp tăng cường cơ sở hạ tầng và thiết lập các tiêu chuẩn an toàn cao, Ấn Độ có thể phát huy tiềm năng to lớn về địa hình đa dạng và di sản văn hóa phong phú, từ dãy Himalaya ở phía bắc đến hệ thống đầm phá, kênh đào Kerala ở phía nam, từ sa mạc ở phía tây đến bờ biển dài ở phía đông, các công viên động vật hoang dã kỳ thú ở vùng Đông Bắc,… Ấn Độ cung cấp nhiều điểm đến và hoạt động phiêu lưu đa dạng, có lượng du khách và người theo dõi đông đảo trên thế giới.
Cần sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn trong du lịch. (Nguồn: UNWTO) |
Tuy nhiên, du lịch phiêu lưu mạo hiểm thường diễn ra ở những khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái, do đó dòng khách du lịch tràn về ồ ạt không được kiểm soát và vô trách nhiệm gây áp lực đáng kể lên hệ sinh thái và cộng động địa phương. Do đó, việc cân bằng mong muốn trải nghiệm phiêu lưu với các hoạt động bảo vệ môi trường có trách nhiệm là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh loại hình này đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, các hoạt động mạo hiểm như leo núi, dù lượn, đi bè trên sông và đu dây thường tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, bởi vậy, việc đảm bảo an toàn cho người tham gia là rất quan trọng đối với sự bền vững của loại hình này. Năm 2018, Bộ Du lịch Ấn Độ và Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch mạo hiểm Ấn Độ (ATOAI) đã cho ra mắt “Hướng dẫn Du lịch phiêu lưu mạo điểm Ấn Độ” đã được Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch mạo hiểm Ấn Độ (ATOAI) nhằm cung cấp Quy trình vận hành tiêu chuẩn cho cộng đồng các nhà cung cấp dịch vụ mạo hiểm.
Với tính bền vững là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, việc thúc đẩy du lịch mạo hiểm có trách nhiệm và bền vững là điều bắt buộc. Bộ Du lịch đã xây dựng Dự thảo Chính sách Du lịch Quốc gia, nhằm thiết lập khuôn khổ tổng thể cho sự phát triển bền vững và có trách nhiệm của ngành Du lịch trong nước, bao gồm hàng loạt các đề xuất với loại hình du lịch phiêu lưu mạo hiểm. Vào năm 2022, Ấn Độ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về du lịch mạo hiểm, đặt trọng tâm là “phát triển du lịch bền vững, du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái”.
Đáng chú ý, sau Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra, cùng với sự ra mắt của Bảng thông tin Du lịch G20 và các Mục tiêu phát triển bền vững, ngành Du lịch quốc tế có thể kỳ vọng về sự chia sẻ, liên kết sâu rộng để lan rộng các chiến lược, giải pháp du lịch bền vững trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, các nền kinh tế G20 đại diện cho khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới. Năm 2022, ngành Du lịch nhóm các quốc gia G20 đón 74% khách du lịch quốc tế và 73% xuất khẩu du lịch trên toàn thế giới.