Tạo dựng sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp

(PLO) - Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ đã hình dung Nhà nước như một bác lái xe, khi thì nhấn ga cho xe chạy nhanh, lúc thì bóp phanh để giảm tốc độ, mà lẽ sống của cơ chế thị trường là cạnh tranh, còn lẽ sống của Nhà nước là quản lý. Vậy làm thế nào để có thị trường cạnh tranh mà Nhà nước vẫn quản lý được?
Người tiêu dùng hưởng lợi khi thị trường viễn thông thực sự cạnh tranh

Cạnh tranh chỉ có lợi

Phân tích về lợi ích của cạnh tranh trong các ngành mạng lưới, chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Ôxtrâylia, ông Warren Mundy khẳng định cạnh tranh chỉ có lợi. Cụ thể: Nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại kết quả tốt hơn cho người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành thương mại, tái phân bổ vốn công đến các khu vực khác.

Một ví dụ rõ nét nhất về lợi ích của cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam được đề cập đến là giá giảm, chất lượng tăng. Trong khi đó, các ngành độc quyền như điện, than… vẫn ì ạch và người tiêu dùng vẫn đang phải chịu mức giá bất hợp lý.

Tuy nhiên, câu chuyện tạo lập môi trường cạnh tranh không chỉ là việc muốn hay không muốn của quốc gia. Theo TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM), cạnh tranh đã trở thành một chủ đề quan trọng trong thương mại quốc tế . Bằng chứng cho thấy là tỷ lệ các hiệp định thương mại tự do có điều khoản hoặc chương riêng về cạnh tranh đã tăng từ trên 60% năm 1990 đến gần 90% hiện nay. 

Đặc biệt, trong các hiệp định Việt Nam tham gia (EVFTA và TPP) đều có một chương riêng về cạnh tranh, trong đó yêu cầu các bên phải xây dựng  pháp luật cạnh tranh đầy đủ để xử lý hiệu quả các vấn đề phản cạnh tranh, đòi hỏi các bên phải có cơ quan chịu trách nhiệm về cạnh tranh có đủ công cụ và thẩm quyền để thực hiện đầy đủ và hiệu quả pháp luật cạnh tranh của mình.

Trường hợp ngoại lệ phải được công khai và phải có nền tảng là chính sách công, phục vụ lợi ích công.  Thậm chí các hiệp định còn yêu cầu mô tả chi tiết các cam kết đảm bảo quy trình, thủ tục xử lý cạnh tranh và quyền được bảo vệ lợi ích của bên liên quan, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi cách thức xử lý các vụ việc cạnh tranh theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả hơn…

Luật Cạnh tranh cản trở cạnh tranh (!?)

Thực tế, ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh đã có từ năm 2005, cùng với đó là các giải pháp để thực thi, tuy nhiên đến nay Việt Nam “chưa có một chính sách cạnh tranh toàn diện và hiệu quả” theo đúng nghĩa. Cạnh tranh chưa phát huy được vai trò đáng có của nó trong hệ thống chính sách kinh tế quốc gia mặc dù chúng ta đã có hơn 30 năm theo đuổi xây dựng nền kinh tế thị trường. “Đây chính là một mắt xích yếu trong hệ thống thể chế kinh tế thị trường!”- TS Vinh khẳng định.

Thực vậy, Luật Cạnh tranh hiện hành có hiệu lực từ năm 2005 dù đã tạo ra một nền tảng pháp lý để xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh nhưng bản thân luật này không để lại nhiều dấu ấn trong đời sống  kinh tế - xã hội vì còn có nhiều ngoại trừ. Ví dụ như miễn trừ áp dụng điều cấm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hoặc tập trung kinh tế...; thiếu các quy định về độc quyền nhà nước, chủ yếu theo các quyết định hành chính; các khái niệm chưa được định nghĩa rõ ràng, còn gây tranh cãi, khó xử lý hành vi vi phạm, ví dụ như khái niệm “gây hạn chế cạnh tranh”… 

Đặc biệt, bộ máy thực thi pháp luật cạnh tranh hiện nay cũng chưa đủ mạnh. Trong đó, việc đặt Cục Quản lý cạnh tranh tại Bộ Công Thương - cơ quan sở hữu nhiều DNNN hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh đơn thuần - có thể xem là một trở ngại đối với việc thi hành hiệu quả Luật Cạnh tranh. Một cơ quan khác đảm bảo thi hành Luật Cạnh tranh là Hội đồng cạnh tranh lại không có chuyên gia về luật cạnh tranh, kinh tế, chuyên gia độc lập, mà chủ yếu là quan chức hành chính. Điều này khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về khả năng đưa ra các phán quyết có hiệu quả về việc duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Hiện tượng các cơ quan nhà nước dành ưu ái cho DNNN ở cả cấp trung ương và địa phương lâu nay cũng đã tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng mà ở đó, các DNNN được tiếp cận nguồn lực nhiều hơn, được trao nhiều quyền kinh doanh hơn, thậm chí độc quyền. Tuy về luật pháp không còn phân biệt DN FDI hay DN trong nước nhưng thực tế, DN FDI vẫn được ưu đãi hơn về tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, ít bị thanh, kiểm tra… khiến các DN vốn đã nhiều yếu thế lại càng khó cạnh tranh hơn.

Chủ động tạo dựng sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp

Trở lại câu chuyện “bác tài” Nhà nước, chuyên gia tư vấn về cạnh tranh đến từ Ôxtrâylia cho rằng, quan trọng nhất vẫn là thiết chế thể chế. Thiết chế cần phải rõ ràng, có chức năng riêng biệt thì lúc đó Nhà nước sẽ thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chuyên gia đến từ Ôxtrâylia còn lưu ý, các cơ quan không những phải được tách biệt với nhau mà còn phải tách biệt với cơ quan hoạch định chính sách và sở hữu tài sản của Nhà nước, được kháng cáo khi cần thiết và khởi kiện ra tòa nếu các quyết định trái với Luật. Thêm vào đó, cơ quan này phải có đủ nguồn lực về tài chính và nhân sự. 

“Một chính sách cạnh tranh toàn diện không chỉ là Luật Cạnh tranh và việc thi hành nó mà căn bản nó phải là một tư duy về việc tích cực, chủ động tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho DN thuộc mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực để nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhất và để DN luôn có động lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất và bảo vệ phúc lợi người tiêu dùng...”- TS Đặng Quang Vinh phát biểu. 

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đề nghị, thay vì từ can thiệp, điều khiển trực tiếp, Nhà nước cần phải chuyển sang hỗ trợ và định hướng gián tiếp, xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, bình đẳng, nâng cao tính thị trường của nền kinh tế; ông cũng lưu ý, nhà nước là người điều tiết, cân bằng lợi ích và thúc đầy đầu tư, phát triển

Theo khuyến nghị của CIEM, cần tự do hóa thị trường có độc quyền nhà nước (điện…,), cải cách DNNN theo hướng giảm thiểu phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị và đảm bảo cạnh tranh; thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu DNNN; trung lập về cạnh tranh (ngân sách cứng, không ưu tiên trong quản lý, nộp thuế trả cổ tức đầy đủ); quản lý độc quyền tự nhiên, độc quyền nhà nước rõ ràng hơn, hướng tới người tiêu dùng…

Bên cạnh đó CIEM cũng khuyến nghị  hoàn thiện pháp luật cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, giảm ngoại lệ, quy định rõ chế tài hành vi của DN độc quyền nhà nước và cơ quan nhà nước; tăng tính độc lập, năng lực điều tra, xử lý cho cơ quan thực thi; cùng với đó là cải cách thể chế về gia nhập thị trường, giảm các ngành kinh doanh có điều kiện, loại bỏ những rào cản không cần thiết trong các ngành kinh doanh còn lại…Đặc biệt, phải thật công bằng trong tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng, chi phí tuân thủ…

“Các hành động can thiệp của Nhà nước có chăng chỉ là giúp DN cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng!”- TS Đặng Quang Vinh lưu ý.

Đọc thêm