Tạo hành lang pháp lý để nghề công chứng phát triển bền vững

(PLVN) - Chiều 26/11, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An.
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An. (Ảnh: PV)

Bà chia sẻ: Với góc độ là cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ giúp quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ nói chung, trong đó có công chứng, do đó với việc chiều nay Quốc hội bấm nút thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), chúng tôi rất kỳ vọng vào Luật Công chứng sửa đổi lần này. Bởi qua thảo luận và đi đến thống nhất thì lần sửa đổi này sẽ tạo một hành lang pháp lý đầy đủ cho các tổ chức hành nghề công chứng có cơ chế để kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng theo chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm.

Điều này cũng sẽ tạo một hành lang pháp lý để các tổ chức và hoạt động hành nghề công chứng sẽ phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu về vị trí và vai trò mới hiện nay.

Đặc biệt, những quy định đối với công chứng viên sẽ là cơ sở để trong thời gian tới lực lượng công chứng viên sẽ được hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng vai trò thực hiện ủy nhiệm nhiệm vụ do Nhà nước giao; bảo đảm an toàn pháp lý về việc hoạt động hành nghề của công chứng viên không phải là một hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao.

Một điểm mới và cũng là điều mà chúng tôi mong mỏi là việc phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực ở cấp huyện, cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Việc này phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ngoài ra, quy định về công chứng điện tử cũng như quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc về công chứng sẽ là công cụ hỗ trợ rất lớn cho việc bảo đảm ngày càng chặt chẽ hơn an toàn pháp lý cho hoạt động công chứng cũng như đáp ứng xu thế về Chính phủ số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động quản lý nhà nước.

* Để triển khai công chứng điện tử như bà vừa đề cập thì có thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?

- Tôi cho rằng, việc chúng ta đưa vào quy định về công chứng điện tử, mặc dù hiện nay chúng ta chỉ quy định mang tính chất khung và khi bảo đảm đủ điều kiện thì chúng ta sẽ triển khai đồng bộ. Tôi cho rằng quy định này để tạo cơ sở pháp lý thực hiện. Tất nhiên, hiện nay chúng ta không thể làm ngay bởi vì các cơ sở dữ liệu trên toàn quốc, chúng ta đã, đang xây dựng, chưa đầy đủ hết. Ví dụ như cơ sở dữ liệu về đất đai, về nhà ở thì chúng ta vẫn đang làm. Khi chúng ta đã đầy đủ hết cơ sở dữ liệu liên quan thì áp dụng công chứng điện tử là hoàn toàn khả thi.

Một số thách thức đặt ra hiện nay, ví dụ như tội phạm công nghệ cao có những thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp, có nhiều thủ đoạn lừa đảo mà nếu chúng ta chưa đủ điều kiện thì thể chưa ứng phó được. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng lộ trình từng bước. Với hệ thống pháp luật chúng ta đang có như Luật An ninh mạng, hiện nay Quốc hội cũng đang thảo luận Luật Dữ liệu và các bước tiến về công nghệ thông tin…, tôi nghĩ là sắp tới chúng ta sẽ đáp ứng được các điều kiện này.

* Thưa bà, từ khi ban hành Luật Công chứng lần đầu, chúng ta cũng đã xúc tiến xây dựng cơ sở dữ liệu. Vậy cơ sở dữ liệu công chứng trong Luật mới này khác gì với những điều mà chúng ta đã quy định?

- Cơ sở dữ liệu đối với công chứng hiện nay nằm ở phạm vi của một tỉnh, một địa phương. Ví dụ như mỗi địa phương xây dựng một cơ sở dữ liệu riêng cho địa phương mình, bao gồm hệ thống dữ liệu về công chứng, hệ thống dữ liệu về các giao dịch, hợp đồng, trong đó đặc biệt giao dịch về bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà ở… nằm trong phạm vi của tỉnh, chưa kết nối trên cả nước. Do đó, chúng ta chỉ khai thác và bảo đảm cho các giao dịch trong phạm vi tỉnh.

Còn lần này có quy định là cơ sở dữ liệu quốc gia, chúng ta sẽ đồng bộ trong toàn quốc. Có nghĩa là chỉ ở một nơi, một địa bàn, một địa điểm trên một tỉnh, huyện, xã nào tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thì có thể tra cứu và sử dụng được toàn thể dữ liệu của toàn quốc.

* Bà đánh giá như thế nào về đề nghị đẩy mạnh vai trò của Bộ Tư pháp đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu?

- Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng rất thuận lợi bởi vì nền tảng cơ sở dữ liệu ở các địa phương đã có rồi, bây giờ chỉ làm sao đồng bộ, thống nhất, tôi nghĩ là sẽ hoàn thành sớm. Bộ Tư pháp sẽ có các bước triển khai làm sao đến khi Luật này có hiệu lực thì cơ sở dữ liệu chúng ta sẽ làm xong.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm