Tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tiếp cận hệ thống, đồng bộ, liên ngành để giải quyết tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 8/11. Theo dõi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, cho thấy còn có một số “khoảng trống” trong quy định lĩnh vực văn hóa.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã 2 năm trôi qua từ khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021. Nhiều vấn đề đã và đang được đặt ra để văn hóa trở thành “nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh”. Đó là lý luận về tính vật chất của văn hóa được thể hiện qua ngành công nghiệp văn hóa, trong chuyển đổi số, trong thế giới ảo… Từ lý luận phải qua một hành trình dài mới đến chủ trương, chính sách, những nhiệm vụ ưu tiên. Bản thân chính sách về văn hóa phải đồng bộ, thống nhất với chính sách các lĩnh vực khác.

Năm 2023, qua theo dõi các hoạt động ngoại giao đa phương, song phương cấp Nhà nước của Việt Nam cho thấy, yếu tố văn hóa ngày càng hiện diện với mức quan trọng. 2023 cũng là năm có nhiều thành công về “ngoại giao văn hóa” của Việt Nam.

Như gần đây, trong dịp Thủ tướng Hà Lan thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe qua một số đường phố tại Hà Nội như Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ… trước khi dừng lại ở trụ sở Bộ Ngoại giao; chuyển tải nhiều thông điệp. Đó là thông điệp văn hóa, thông điệp xanh trong thế giới đòi hỏi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực văn hóa, hiện nay nước ta có một số luật như: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện; hơn 50 Nghị định, nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch có các quy định điều chỉnh trực tiếp. Với công nghiệp văn hóa, sự ra đời của “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (năm 2016) đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc tạo môi trường cho văn hóa phát triển.

Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nói tại diễn đàn Quốc hội, vẫn còn nhiều việc phải làm, cần ưu tiên soát xét, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các quy định về văn hóa, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho văn hóa được bảo tồn những nét bản sắc đặc sắc, tiếp thu học hỏi những tinh hoa của nhân loại, có những thay đổi phù hợp để bắt nhịp với xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.