Tạo khung pháp lý thuận lợi trong thực hiện các biện pháp bảo đảm

(PLVN) -Sáng 22/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức Toạ đàm Lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Cố vấn trưởng Dự án JICA Yokomaku Kosuke.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (giữa) chủ trì Toạ đàm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (giữa) chủ trì Toạ đàm.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trên cơ sở các quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, các luật mới được Quốc hội ban hành gần đây và kết quả tổng kết thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn về giao dịch bảo đảm, Chính phủ đã xác định 4 chính sách để xây dựng Nghị định mới. Cụ thể là, hoàn thiện quy định pháp lý để xác định rõ hơn bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; hoàn thiện cơ chế pháp lý về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; hoàn thiện cơ chế pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm theo hướng tạo thuận lợi, hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro và tác động tiêu cực.

Thứ trưởng nhấn mạnh Tọa đàm là một trong những hoạt động quan trọng, là diễn đàn cho các chuyên gia, đại diện tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, những người làm nghiên cứu và thực tiễn cùng chia sẻ ý kiến đóng góp hoàn thiện những quy định của dự thảo Nghị định, bảo đảm các yêu cầu pháp lý, an toàn giao dịch, tính khả thi, tháo gỡ khó khăn cho việc ký kết và thực hiện các biện pháp bảo đảm. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ những quan điểm để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng Dự án JICA đánh giá cao Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc xây dựng dự thảo Nghị định. Theo ông, trong tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, vấn đề vốn đối với các doanh nghiệp và khối tư nhân ngày càng lớn, do vậy việc sửa đổi Nghị định lần này là cơ sở quan trọng giúp chúng ta mở nút thắt trong thị trường vốn và tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Ông hy vọng, Tọa đàm hôm nay với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học sẽ đem lại những đóng góp hữu ích cho việc xây dựng dự thảo Nghị định.

Báo cáo tại Tọa đàm, đại diện thường trực Tổ biên tập xây dựng Nghị định cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định nhiều nội dung mới liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Những quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự dẫn đến nhiều nội dung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn về giao dịch bảo đảm không còn phù hợp. 

Bên cạnh đó, thực tiễn sau gần 15 năm thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cho thấy những tồn tại, bất cập từ ngay chính các quy định của Nghị định và thực tiễn áp dụng trên thực tế. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết thi hành Nghị định 163 để đánh giá đầy đủ các mặt được và chưa được của Nghị định, làm cơ sở cho việc đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định này. 

Trên cơ sở 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 6 chương, 63 Điều quy định về các quy định chung; bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm và điều khoản thi hành. 

Tại Toạ đàm, TS. Nguyễn Bích Thảo, Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu ý kiến đánh giá tổng quan về kết cấu, nội dung của Dự thảo trong việc đáp ứng các chính sách lớn mà Chính phủ đặt ra khi xây dựng Nghị định. Đồng thời xem xét tính cần thiết, phù hợp, khả thi của các chính sách trong giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn và yêu cầu của sự đồng bộ, thống nhất pháp luật Việt Nam về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. 

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Toạ đàm đã trao đổi, thảo luận, nêu ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị định, đặc biệt các vấn đề về mô tả tài sản bảo đảm liên quan đến động sản là quyền tài sản, tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, kho hàng; vấn đề đầu tư vào tài sản thế chấp; xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai.

Đọc thêm