Tập đoàn FLC lên tiếng về các dự án ở Sầm Sơn

(PLO) -“Tập đoàn FLC không liên quan gì đến các khiếu kiện, khiếu nại của người dân cũng như việc người dân tập trung đông người tại UBND tỉnh Thanh Hóa. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương liên quan đến các chính sách đền bù, hỗ trợ người dân...”
 

 

Phối cảnh một góc đường bờ biển Sầm Sơn sau khi cải tạo, nâng cấp
Phối cảnh một góc đường bờ biển Sầm Sơn sau khi cải tạo, nâng cấp

Ngày 4/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã gửi thông báo tới các cổ đông và nhà đầu tư nhằm cung cấp thông tin liên quan đến sự việc người dân Sầm Sơn tụ tập trước UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc UBND tỉnh giao bãi biển Sầm Sơn cho Tập đoàn FLC.

Thông báo cho biết, tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn FLC đang đầu tư hai dự án:

Dự án thứ nhất là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn quy mô hơn 600 phòng khách sạn với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng. Hiện dự án FLC Sầm Sơn đã hoàn thành và đưa vào khai thác, thời gian qua đã đón hàng chục ngàn lượt khách du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương cũng như cho Tập đoàn, tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động. Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến những thông tin mà một số báo và trang tin đăng tải.

Dự án thứ hai là dự án cải tạo nâng cấp bãi biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, bao gồm việc xây dựng các ki-ốt, các điểm tắm tráng, chỉnh trang cảnh quan đô thị trên toàn bộ tuyến đường có chiều dài 3,5 km với tổng mức đầu tư 315 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành trước 30/4/2016.

Đối với dự án cải tạo nâng cấp bãi biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, Chủ đầu tư là UBND thị xã Sầm Sơn và dự án được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Đây là một trong những chủ trương lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII: lấy du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế. Các thủ tục pháp lý lập quy hoạch đã được thực hiện đầy đủ, và chủ đầu tư là UBND thị xã Sầm Sơn đã tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật.

Với năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án, Tập đoàn FLC đã trúng thầu dự án nói trên. Việc này đã được Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn xác nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 02/03/2016. Sau khi có kết quả đấu thầu, Tập đoàn FLC đã nhanh chóng tổ chức thi công các hạng mục của dự án để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch hè 2016 theo cam kết với chủ đầu tư.

Thông báo khẳng định, Tập đoàn FLC không liên quan gì đến các khiếu kiện, khiếu nại của người dân cũng như việc người dân tập trung đông người tại UBND tỉnh Thanh Hóa. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương liên quan đến các chính sách đền bù, hỗ trợ người dân... Tập đoàn FLC nhận mặt bằng sạch từ chủ đầu tư và đang tích cực triển khai dự án.

Trao đổi về việc 8 ngày qua hàng trăm người dân tụ tập trước cổng trụ sở UBND tỉnh để phản đối, gây náo loạn mất trật tự trị an, ông Nguyễn Đức Quyền, TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sở dĩ xảy ra việc này là do một số đối tượng xấu tung tin rằng UBND tỉnh giao toàn bộ khu vực bãi biển cho Tập đoàn FLC sử dụng. Tôi xin khẳng định rằng đây là thông tin hoàn toàn sai lệch. Tập đoàn FLC chỉ kinh doanh ki ốt và các dịch vụ du lịch…”.

Một số ngư dân tụ tập đòi "trả lại biển"tại quảng trường Lê Lợi
Một số ngư dân tụ tập đòi "trả lại biển"tại quảng trường Lê Lợi

Ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 705/2016/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tháo dỡ, phá bỏ các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20CV với mức 70 triệu đồng mỗi bè, 50 triệu đồng mỗi thuyền thúng. Ngư dân phải cam kết không đóng mới bè, mủng. 

Các hộ có tàu, thuyền dưới 20 CV tháo dỡ, phá bỏ đồng thời được hỗ trợ 30kg gạo/khẩu/tháng (trong 6 tháng) để ổn định đời sống. Khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi hộ có bè và 8 triệu đồng mỗi hộ có mủng. 

Hộ ngư dân nào tháo dỡ, phá bỏ tàu bè trước ngày 15/3 thì được thưởng thêm 10 triệu đồng mỗi bè hoặc mủng. Quyết định trên cũng nêu rõ, hộ nào muốn đóng mới tàu 30CV -  400CV sẽ được hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng tàu. Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất 250 triệu đồng.

Cũng theo ông Quyền, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Sầm Sơn và các đơn vị có liên quan khẩn trương khảo sát, đề xuất quy hoạch bến neo đậu tàu thuyền cho ngư dân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 3/3/2016. Đến thời điểm này có trên 50% số ngư dân đã đồng tình ủng hộ với quyết định trên của UBND tỉnh nhằm ổn định sinh kế của ngư dân xã Quảng Cư và phường Trung Sơn nói riêng và nhân dân thị xã Sầm Sơn nói chung.

Đọc thêm