Cụ thể, trong số có điều kiện thi hành, toàn hệ thống đã thi hành xong trên 403 ngàn việc, tăng gần 22 ngàn việc so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệhơn 65%. Về tiền, thi hành xong trên 73 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2700 tỷ so với cùng kỳ 2023. Về kết quả thi hành án các vụ án kinh tế, tham nhũng đã thi hành xong 2.117 việc, tăng 581 việc so với cùng kỳ năm 2023.
9 tháng đầu năm toàn Hệ thống THADS tập trung, đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi thi hành án hành chính theo tinh thần, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Tư pháp, đồng thời ứng biến với tình hình thị trường bất động sản, tài sản thi hành án khó xử lý, số việc, số tiền phải thi hành ngày một tăng mạnh, về cơ bản, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được nghiêm túc triển khai thực hiện; kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo vẫn đạt kết quả đáng khích lệ; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra, tự kiểm tra được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh; tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn hướng đến đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Các mặt công tác khác của Hệ thống THADS vẫn cơ bản được triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra.
Thời gian tới, Tổng cục THADS cho biết, sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan; thường xuyên, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách về công tác THADS, THAHC, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về công tác THADS.
Thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC năm 2024, được ban hành theo Quyết định số 3011/QĐ-BTP ngày 25/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương giao phù hợp tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.
Thường xuyên bám sát và chỉ đạo kịp thời việc giải quyết bồi thường nhà nước, đảm bảo tài chính, cố gắng giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ dẫn đến bồi thường nhà nước và đảm bảo tài chính. Kiên quyết xử lý sai phạm; thực hiện có hiệu quả việc hoàn trả nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Đẩy mạnh tham mưu về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC. Tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Chỉ thị số 05/CT-TTg, đề xuất xây dựng Luật THADS sửa đổi và các lĩnh vực pháp luật có liên quan. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về THAHC, trong đó tập trung phối hợp với TAND tối cao nghiên cứu, sửa đổi Luật TTHC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác THAHC.
Quán triệt, chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể để phòng ngừa các vi phạm pháp luật được chỉ ra trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng, có điều kiện thi hành, đã quá 03 năm chưa thi hành xong; kiểm soát chặt chẽ số vụ việc có điều kiện thi hành án, đã ra quyết định thi hành án quá 01 năm chưa thi hành xong, số việc chuyển sổ theo dõi riêng; đảm bảo số liệu thống kê, phân loại việc, tiền THADS, THAHC chính xác.
Theo dõi đầy đủ, kịp thời việc THAHC tại địa bàn. Kịp thời thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm THAHC, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Toà án; bảo đảm chỉ tiêu Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Toà án nhân dân và công tác thi hành án: “Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật”.
Đồng thời, quan tâm đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Hệ thống THADS, đặc biệt khai thác có hiệu quả các phần mềm đang sử dụng trong Hệ thống THADS để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động THADS. Khẩn trương tham mưu và tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ./.