Hành vi tưởng nhỏ, hậu quả lớn
Theo hồ sơ vụ án, Trần Đình Mỹ Lân (SN 1973) là chủ cơ sở kinh doanh hàng nông sản Mỹ Lân tại xã Ngọc Định, huyện Định Quán. Quá trình kinh doanh, cơ sở này không nộp thuế giá trị gia tăng đúng thời hạn quy định nên Chi cục Thuế Định Quán (CCTĐQ) ra quyết định xử phạt.
Quá trình xử lý thuế, Lân gây khó khăn, không chịu hợp tác nên Chi cục Thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế. Lân nhiều lần nhắn tin vào số điện thoại của ông Phạm Văn Trọng- Chi cục trưởng CCTĐQ và một số lãnh đạo, cán bộ thuế với lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Lân nhiều lần đến CCTĐQ la hét, chửi bới gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.
Đỉnh điểm là vào ngày 10/10/2013, Đoàn kiểm tra của Cục Thuế Đồng Nai đến làm việc về các vấn đề thuế trên địa bàn Định Quán. Khoảng 12h trưa, khi làm việc xong thì CCTĐQ và đoàn công tác đi ăn cơm trưa tại quán Thế Hiền ở xã Gia Canh, huyện Định Quán.
Khoảng 12h30 cùng ngày, bà Lân cùng em trai là Trần Đình Lập sinh năm 1982, Nguyễn Quốc Hoàng sinh năm 1972 (lái xe của Lân) cùng 3 người đàn ông khác (không rõ nhân thân lai lịch) cùng vào quán Thế Hiền ngồi kế bên bàn của đoàn công tác đang ăn uống.
Lát sau, Lân đi qua bàn ông Trọng chửi bới lung tung, “Cán bộ mà đi ăn nhậu trong giờ làm việc”. Lân đưa điện thoại cho Hoàng và nói “ông quay đi”, rồi Lân cầm ly bia sang bàn ông Trọng và chửi: “Mày ăn cướp tiền con tao, mày không nghe Đảng, Nhà nước”, rồi tạt ly bia vào mặt ông Trọng. Sau đó Lân nắm cổ áo lôi ông Trọng. Hoàng cầm điện thoại lên để mọi người phía ông Trọng sợ mà không dám vào can ngăn. Còn Lập cầm chai bia chạy tới đánh ông Trọng nhưng không trúng.
Lân tiếp tục chửi ông Trọng “Mày là thằng ăn cướp cơm của con tao, mày là thằng côn đồ”. Khi ông Trọng chạy ra xe để về thì bị Lập đuổi theo đạp vào chân khiến ông này ngã dúi dụi. Sau đó Lân lại tiếp tục chửi và đứng chặn trước xe không cho đoàn công tác về… Sự việc được công an đến giải quyết. Kết quả giám định ông Trọng bị thương tích 1%.
Với những hành vi đó, các bị cáo Lân, Lập và Hoàng bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội làm nhục người khác. Cuối năm 2014, phiên tòa sơ thẩm được mở với sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi tính “hài hước” của nó. Tại phiên tòa, vị luật sư nhắc đi nhắc lại đây là vụ án “độc” nhất trong ngành tố tụng xưa nay của Việt Nam, chỉ vì tạt ly bia mà 3 người phải đi tù.
Y án sơ thẩm
Tại tòa sơ thẩm, Lân khai rằng: “Hôm đó bị cáo có đưa khách hàng đi ăn trưa. Khi đang ngồi bàn bên này thì nghe bàn nhậu của ông Trọng ồn ào nên bị cáo có nhắc vì hôm nay là ngày đại tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe vậy, có người hỏi ông Trọng tôi là ai thì ông Trọng nói tôi là con ông nọ, bà kia, có người này nọ, đã về hưu rồi mà còn to mồm… Thấy ông Trọng xúc phạm gia đình nên tôi cầm ly bia qua tạt vào ông Trọng. Hai bên có giằng co qua lại, bị cáo cũng bị ông Trọng giật tóc, đánh vào đầu, chứ không phải như kết luận điều tra và cáo trạng đã nêu…”.
Bị cáo Lân còn cho biết thêm là CCTĐQ đã đối xử không công bằng với cơ sở kinh doanh của mình, có ý muốn “triệt tiêu” hết mọi con đường làm ăn của bị cáo. Ông Trọng đã khóa mã số thuế của doanh nghiệp bị cáo làm cho hàng trăm tấn hạt điều của bị cáo không bán được.
Bị cáo Lập bức xúc: “Trong khi bên ông Trọng có cả chục người cao lớn, lăm lăm trên tay cầm ghế sắt, cầm cây, cầm đá… sợ họ đánh chị Lân nên bị cáo mới cầm chai bia lên để dọa, vậy mà lại xử bị cáo về tội làm nhục, thử hỏi thế có công bằng không? Hai người làm chứng độc lập, không phải là người bên ngành thuế của ông Trọng đã khai bị cáo không đạp ông Trọng, vậy mà hôm nay hai người này lại vắng mặt là sao? Liệu có sự dàn xếp, cố tình ép bị cáo vào tù...”.
Bị cáo Hoàng cho rằng mình chỉ cầm điện thoại giơ lên với ý định để mọi người sợ mà không đánh nhau, chứ thực tế điện thoại không quay được vì đây là điện thoại của bị cáo Lân, có cài đặt mật mã…
Còn bị hại Phạm Văn Trọng thì một mực khẳng định mình không hề chửi bới cha mẹ, người thân của các bị cáo, mà nguyên nhân chính là do bị cáo Lân thù tức trong việc thu - nộp thuế. Ông cũng không hề nắm tóc, đánh bị cáo Lân mà chỉ lùi lại để phòng thủ rồi lên xe. “Nếu cho rằng tôi có đánh bị cáo Lân thì hãy cung cấp hình ảnh chứng minh đi. Các bị cáo có hình ảnh về bia, mà sao không có hình ảnh tôi đánh…”- ông Trọng nói.
Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo cho rằng quá trình điều tra truy tố đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Việc truy tố các bị cáo về tội làm nhục người khác chỉ với một ly bia tạt vào người là quá khiên cưỡng. Hành vi đó chưa đến mức phải xử lý hình sự, mà chỉ nên xử phạt hành chính cũng đủ sức răn đe, giáo dục.
Khi được hỏi về vấn đề bia, những người làm chứng cho rằng chỉ có 4 lon nhưng vị chủ quán lại nói có 8 lon (trong đó trên bàn 4 lon). Ông Trọng cũng cho biết là không uống bia nhưng ông lại đặt giả thiết: “Nếu giả sử có uống thì cũng đã có luật cán bộ công chức điều chỉnh, không liên quan gì tới vụ án này”.
Sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên Trần Đình Mỹ Lân 12 tháng tù, Trần Đình Lập và Nguyễn Quốc Hoàng mỗi người 6 tháng tù về tội làm nhục người khác, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra, các bị cáo, luật sư đều cho rằng các bị cáo bị truy tố như vậy là oan. Đại diện Viện kiểm sát tỉnh Đồng Nai đề nghị hủy một phần bản án để điều tra lại với bị cáo Hoàng, vì cho rằng các chứng cứ để buộc tội Hoàng còn rất mơ hồ. Riêng 2 bị cáo Lân và Lập thì vị công tố viên đề nghị giữ y án sơ thẩm.
Sau một ngày xét xử đầy căng thẳng, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên bố các bị cáo phạm tội làm nhục người khác và bị y án sơ thẩm./.