Kêu gọi tàu thuyền vào bờ, di dời và giúp dân chống bão
Bộ Tổng Tham mưu đã có Điện số 39/TK yêu cầu: Bộ Tham mưu các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát Biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các Quân đoàn 1, 2, các Binh chủng Công binh, Hóa học, Đặc công, Tăng Thiết giáp, Thông tin liên lạc, Pháo binh và các Tổng cục: Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, rà soát các phương án ứng phó và bảo đảm an toàn.
Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt công tác kêu gọi tàu, thuyền, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống do bão gây ra. Ngay sau bão, chủ động phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả bão, xử lý môi trường, ổn định đời sống nhân dân; chỉ đạo tốt công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động của bộ đội giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Để chủ động đối phó với bão số 10, Tổng cục Chính trị đã có công điện đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, thường xuyên theo dõi, nắm chắc phạm vi hoạt động, mức độ ảnh hưởng của bão, chủ động đối phó với diễn biến tiếp theo của tình hình thời tiết.
Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực nghiệp vụ và thành phần quân số theo đúng quy định của Bộ Tổng Tham mưu; tổ chức tuần tra canh gác chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cơ quan, đơn vị; chủ động rà soát các phương án sẵn sàng chiến đấu, nhất là phương án phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra hệ thống kho tàng, doanh trại, nhà xưởng, có kế hoạch phòng, chống bão; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc đồng bộ, thông suốt, sẵn sàng cơ động tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra.
Các đơn vị phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra.
Ứng phó với bão số 10, các tỉnh miền Trung đã huy động một lượng lớn lực lượng và phương tiện sơ tán dân, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa và sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Trong đó, tỉnh Nghệ An huy động 9.972 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 tàu cứu hộ cứu nạn; 63 xuồng, ca nô; 30 xe ca; 17 xe tải; 8 bộ cầu vượt sông tạm. Hà Tĩnh đã huy động 11.979 cán bộ, chiến sỹ với 10 ô tô, 3 ca nô. Quảng Bình đã huy động 100% cán bộ, chiến sỹ lực lượng Quân sự, Biên phòng và Công an.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), đến 6h ngày 15/9, Biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.904 tàu cùng 292.531 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Trong đó, không còn tàu thuyền nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm của bão. Quân đội cùng với các địa phương đã di dời hàng nghìn hộ dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Vượt siêu bão cứu sống 12 ngư dân
Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã phối hợp với các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận, lai dắt 1 tàu/8 lao động và cứu vớt đưa 12 người/3 tàu bị chìm của Quảng Ngãi về nơi an toàn.
Sáng 15/9, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tiến hành bàn giao 12 ngư dân cho BĐBP và chính quyền địa phương để đưa ngư dân về với gia đình.Vào 0 giờ 58 phút ngày 14/9/2017, tàu cá QNg 98687TS có 2 ngư dân đang trong hành trình vào bờ tránh bão số 10 thì bị hỏng máy, trôi dạt và chìm ở Đông Bắc Đà Nẵng khoảng 30 hải lý.
Ông Phan Văn Tiến, Thuyền trưởng đã kịp gọi điện cấp cứu. Sau đó, tàu cá QNg 94628TS của anh Phan Minh Tuấn - con ông Tiến ở gần đó đã cơ động đến và vớt được 2 người lên tàu. Nhưng sau đó ít phút, tàu QNg 94628 TS bị hỏng máy, bị sóng đánh trôi dạt tự do trên biển.
12 giờ 10 phút cùng ngày, nhận lệnh của trên, Quân chủng Hải quân đã điều tàu 360, Vùng 3 Hải quân triển khai tìm kiếm cứu nạn. 14 giờ 30, tàu 360 đã tiếp cận được tàu QNg 94628TS. Do ảnh hưởng của bão số 10, biển động dữ dội, tàu QNg 94628TS bị phá nước không thể cứu kéo được. Cán bộ, chiến sĩ tàu 360 đã vớt và đưa toàn bộ 9 ngư dân lên tàu.
15 giờ cùng ngày, tàu cá QNg 44001TS do ông Nguyễn Hoài Thanh điều khiển cũng bị hỏng máy khi đang hoạt động cách Đông Bắc Sơn Trà 25 hải lý. Trên tàu có 3 ngư dân.
Vùng 3 Hải quân lệnh cho tàu 360 tiếp tục tổ chức cứu tàu QNg 44001TS. Do sóng, gió to làm tàu QNg 44001TS bị phá nước nên ông Thanh đề nghị bỏ tàu để cứu người.
16 giờ 30 phút, tàu 360 đã vớt được 3 ngư dân lên tàu, tổng cộng là 12 người rồi nhanh chóng cơ động vào bờ. Đại úy Ngô Quốc Tuấn - Thuyền trưởng tàu 360 Hải quân cho biết: “Lúc đó, tôi cũng không dám nghĩ sẽ cứu được cả 12 người, vì gió giật cấp 9, sóng cao khoảng 5m, những con tàu của ngư dân bị nhấc nổi lên rồi dập xuống như một chiếc lá. Nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều hạ quyết tâm phải bằng mọi giá cứu sống ngư dân. Chúng tôi rất muốn cứu tàu của ngư dân vì biết đó là tài sản lớn của gia đình họ, nhưng thời tiết quá xấu, không còn cách nào khác... Nhìn những con tàu của ngư dân bị vùi dập trong sóng rồi biến mất giữa biển cả ai cũng đau lòng”.