Nghị quyết 32 của Chính phủ cấm lưu hành, hoạt động các loại xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe cơ giới tự chế 3-4 bánh có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2008. Nhưng đến nay ở khu vực Tây Nguyên, xe công nông vẫn “vô tư” hoạt động trên các tuyến đường.
Cấm thì cứ cấm
Những ngày này, chúng tôi có mặt trên quốc lộ 14, đoạn qua thị trấn Ea Đrăng, thị trấn Ea H’leo (tỉnh Đắc Lắc), chỉ trong vòng mươi phút đã chứng kiến 4 chiếc xe công nông chở đầy hàng hóa hoặc người ngồi “cheo leo” hai bên thành nối đuôi nhau chạy trên đường. Không chỉ quốc lộ, mà hầu hết các tỉnh lộ, rất nhiều xe công nông, máy kéo nhỏ chở hàng, chở người tham gia giao thông. Đáng nói là nhiều xe trong đó đã cũ kỹ, rách nát, người ngồi trên xe trong các tư thế không đảm bảo an toàn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Được biết, lệnh cấm ban hành đã hơn 4 năm, nhưng xe công nông vẫn chưa bị lực lượng chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên xử lý nghiêm. Cạnh đó, các chủ xe công nông vẫn loay hoay, gặp khó khăn trong việc tìm phương tiện thay thế. Bởi lẽ, giá trị bình quân một chiếc công nông trên dưới 20 triệu đồng, trong khi đó, một chiếc xe tải nhẹ trên thị trường hiện không dưới 100 triệu đồng. Anh Nay Hoen, một nông dân sống tại xã Ia Nhin, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) bộc bạch: “Nhiều năm rồi mình sử dụng xe công nông để chở lúa, chở mỳ và chở vợ con lên rẫy. Mà từ nhà mình đến rẫy phải đi theo tuyến quốc lộ, nếu không cho mình sử dụng xe công nông thì đâu còn phương tiện nào khác để thay thế cho tiện ích”.
|
Xe công nông là phương tiện được người dân nơi đây sử dụng. |
Chỉ tính riêng tại tỉnh Gia Lai, theo số liệu thống kê của Sở GTVT tỉnh này, trên địa bàn tỉnh có 5.715 xe độ chế, 237 xe Lambro 3 bánh, 53 xe ba gác máy tự chế và một số loại xe thô sơ đã được đình chỉ lưu hành; 11.062 xe công nông phục vụ nông nghiệp và 1.083 xe máy kéo nhỏ diện phải đăng ký, đăng kiểm, nhưng cho đến nay chỉ có 2.891 xe đăng kiểm và đăng ký quản lý. Trong một thời gian dài, các phương tiện này đã tham gia vào hoạt động chuyên chở, sản xuất hàng hóa rất “đắc dụng” tại những vùng nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại, các phương tiện này cũng tiềm ẩn bao nỗi hiểm họa, là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT nghiêm trọng tại Gia Lai thời gian qua.
Thượng tá Từ Lam – Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh Kon Tum) cho biết: “Xe công nông là phương tiện vận chuyển hàng hóa và đi lại chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa nên việc ngăn chặn và xử lý gặp nhiều khó khăn. Khi gặp trường hợp vi phạm, chúng tôi không xử phạt ngay mà chỉ nhắc nhở. Thật ra, việc xử phạt chỉ giải quyết được “phần ngọn”. Để giải quyết tận gốc nguy cơ tiềm ẩn từ xe công nông thì phải giáo dục ý thức của người dân, phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền từ các UBND xã, phường, mặt trận, đoàn thể..., để nhân dân không chở người trên xe công nông, không tham gia lưu thông trên quốc lộ”.
Giải pháp nào khả thi?
Thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế và giảm thiểu TNGT (bằng việc cấm tất cả các xe ôtô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh lưu hành trên cả nước), các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên đã ban hành cơ chế hỗ trợ tiền mua xe hoặc chuyển đổi nghề, và đến nay số phương tiện này đã giảm đáng kể. Nhưng còn đối với máy kéo nhỏ, cho đến nay ngành chức năng cơ bản vẫn chưa quản lý được phương tiện và người lái xe máy kéo nhỏ. Do đặc thù về địa hình, tính chất sản xuất nên trên địa bàn Tây Nguyên tập trung rất nhiều loại phương tiện này. Theo quy định, phương tiện và người lái máy kéo nhỏ cũng phải chịu sự quản lý hành chính thông qua công tác đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật, người lái phải học giấy phép lái xe hạng A4, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự... Vậy nhưng đến nay, ở Tây Nguyên vẫn còn một tỷ lệ lớn xe chưa đăng kiểm, đăng ký quản lý và người điều khiển phương tiện này chưa có giấy phép lái xe theo quy định.
Khắc phục thực trạng này, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp như: quy định về phạm vi, thời gian hoạt động, cấm lưu hành trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ, chỉ được phép lưu hành trên đường giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đối với các loại xe công nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, xe máy kéo nhỏ; thực hiện việc tuyên truyền phổ biến đến hộ gia đình có xe máy kéo nhỏ, xe công nông phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp hiểu rõ quy định của Chính phủ; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các loại phương tiện này ngay từ thôn, xã... để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Tâm- Giám đốc Sở GT-VT, Phó Ban thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai, việc cấm lưu hành xe công nông gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện vì bà con sử dụng phương tiện này không chỉ để tham gia giao thông mà còn với chức năng chính là phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp ở nông thôn; những người có và sử dụng xe công nông chiếm số đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số điều khiển xe máy kéo nhỏ chở nhiều người còn diễn ra trên địa bàn nhưng việc xử lý của các lực lượng chức năng gặp khó khăn vì liên quan đến vấn đề nhạy cảm của địa bàn.
Nam Giao