Theo Reuters, trước diễn biến nhanh chóng và nguy hiểm của dịch bệnh, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/8 đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Geneva (Thụy Sỹ) để bàn về cách phản ứng trước dịch bệnh. Cuộc họp kéo dài 2 ngày này cũng sẽ quyết định về việc có tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu hay không.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 6/8, WHO cho biết sẽ yêu cầu các chuyên gia về đạo đức y tế xem xét sử dụng phương pháp điều trị khẩn cấp vốn mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm để đối phó với căn bệnh rất dễ lây lan này. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh 2 nhân viên từ thiện của Mỹ đã được cho dùng một loại thuốc thử nghiệm sau khi bị mắc bệnh tại Liberia.
Tại Ả rập Xê-út, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, một người đàn ông bị tình nghi mắc bệnh trong một chuyến công tác tới Sierra Leone cũng đã tử vong sáng 6/8. Trước tình trạng này, giới chức Ả rập Xê-út đã đình chỉ thị thực hành hương cho công dân từ các nước Tây Phi để phòng ngừa dịch bệnh.
Tại Liberia, nơi có số người tử vong vì dịch bệnh tăng nhanh nhất, cơ quan y tế đang rất chật vật để đối phó với sự bùng phát dịch. Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf ngày 6/8 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vì dịch bệnh do virus Ebola gây ra. Nhiều người dân tại nước này đang sống trong cảnh hoảng loạn và trong một số trường hợp, thi thể nạn nhân tử vong do dịch đã bị vứt trên đường phố.
Nhà chức trách Liberia đã phải khuyến cáo người dân ở trong nhà trong vòng 3 ngày nhằm hạn chế sự lây lan của loại virus chết người này. Bệnh viện lớn St.Joseph’s Catholic của Liberia đã phải đóng cửa sau khi Giám đốc Bệnh viện tử vong vì Ebola. Trên khắp nước này, nhiều bệnh viện và phòng khám khác cũng đã buộc phải đóng cửa, thường là do các nhân viên y tế sợ nhiễm virus.
Báo động quốc tế về sự khuếch tán của virus gây bệnh Ebola đã gia tăng khi một công dân người Mỹ đã tử vong tại Nigeria hồi tháng trước sau một chuyến bay từ Liberia. Giới chức Nigeria ngày 6/8 cho biết, bác sỹ người Nigeria đã điều trị cho ông Patrick Sawyer cũng đã tử vong vì Ebola và 5 người khác cũng đang điều trị tại một khu giường bệnh tách biệt tại Lagos. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi các bác sỹ tại bệnh viện từng điều trị cho ông Sawyer đã đình công.
Theo Ủy viên y tế Lagos Jide Idris, các tình nguyện viên hiện đang tích cực tìm kiếm nơi ở của 70 người đã tiếp xúc với ông Sawyer. Cho đến nay, mới chỉ 27 người đã được tìm thấy. “Chúng tôi đang ở trong tình trạng khẩn cấp quốc gia mà thực chất là thế giới đang trong tình trạng nguy hiểm. Không một ai miễn nhiễm trước dịch bệnh. Kinh nghiệm tại Nigeria đã báo động thế giới với việc chỉ một cá nhân di chuyển bằng đường hàng không tới một địa điểm khác đã bắt đầu gây ra một ổ dịch” – Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết sau một cuộc họp nội các ở Abuja. Cho đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 60 nhân viên y tế thiệt mạng trong cuộc chiến chống virus Ebola.
Trước diễn biến của dịch bệnh, Liberia và Sierra Leone đã triển khai binh lính tới các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực biên giới xa xôi của những nước này nhằm tìm cách kiểm soát sự lây lan của loại virus gây bệnh Ebola hiện vẫn chưa có thuốc điều trị.
Một số hãng hàng không lớn như British Airways ICAG.L và Emirates EMIRA.UL cũng đã ngừng khai thác các chuyến bay tới các nước bị ảnh hưởng, trong bối cảnh nhiều người nước ngoài đang tìm cách rời khỏi ổ dịch. Ấn Độ và Hy Lạp đã khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi không cần thiết tới Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra bổ sung tại các điểm ra vào các nước này.