Tây Yên (Kiên Giang): Đa dạng hóa sinh kế mô hình phát triển kinh tế

(PLO) - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên, xã Tây Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) đã có nhiều cách làm hay, đa dạng hóa sinh kế mô hình phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. 
Thu hoạch tôm trên diện tích lúa

Tây Yên là một trong 04 xã bãi ngang ven biển, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn của huyện An Biên (Kiên Giang), có đường biên giới biển giáp với Campuchia. Dân số Tây Yên có 3.616 hộ với 16.956 người, trong đó 411 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 11,36%, hộ cận nghèo 472 chiếm tỷ lệ 13,19%. 

Những năm trước đây, nông dân Tây Yên chủ yếu là thuần canh 2 vụ lúa có năng suất thấp nên đời sống của đại bộ phận người dân còn bấp bênh, nhiều người phải ly hương lên Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM làm công nhân. Nhưng, đến với Tây Yên hôm nay, bức tranh về một vùng quê nghèo đã thay đổi với gam màu tươi sáng hơn. Đường nhựa về tới trung tâm xã, nhà xây khang trang mọc lên ngày càng nhiều, cuộc sống của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, an sinh xã hội được chăm lo tốt hơn.  

Từ mô hình tôm – lúa ban đầu có hiệu quả của một vài người dân, đến nay Đảng bộ và nhân dân xã Tây Yên đã nhân rộng mô hình này và đang thực hiện đa dạng hóa sinh kế mô hình phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2018 xã thu hoạch lúa vụ đông xuân được 17.860 tấn, gieo sạ vụ hè thu 363,51ha; thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng quảng canh được 2.876,49ha/3.420ha, ước đạt năng suất bình quân 390kg/ha, sản lượng 1.121,83 tấn; nuôi tôm công nghiệp 3,06ha, năng suất 6,9 tấn/ha; nuôi sò huyết, nuôi tôm xen cua, nuôi cua xen tôm cũng được nhà nông lựa chọn cho thu nhập khá, ít rủi ro.  

Đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng là anh Trần Văn Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Tây Yên. Vẫn như những năm trước đây, năm 2017 anh Tuấn nuôi tôm sú và cua theo phương thức quảng canh vào mùa khô khi nước mặn vào đồng, còn mùa mưa nước ngọt nhiều anh chuyển qua trồng lúa nên đã cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Với mô hình này, ông Lâm Văn Sến ở ấp Kinh Xáng ẵm trọn gần 200 triệu đồng trên diện tích 3 ha sau khi đã trừ đi hết các chi phí. Anh Nguyễn Văn Lượm còn hơn ông Sến, 200 triệu đồng là thu nhập trên diện tích 2ha. Và còn nhiều, rất nhiều hộ nữa cũng có thu nhập khá từ con tôm, cây lúa.

Ngoài “con tôm ôm cây lúa”, nhiều bà con còn trồng cây ăn trái cho thu nhập cao. Ông Trương Hiền Anh ở ấp Thứ Nhất, chỉ với 0,3ha vườn tạp được cải tạo để trồng ổi ruột hồng đã cho thu nhập bình quân 65 triệu đồng/năm. Ông Võ Văn Lơn ở ấp Kinh Xáng có 0,25ha nhưng do chăm sóc tốt hơn nên đã thu về được 75 triệu đồng trong năm 2017. Không chỉ có mô hình kinh tế nông hộ, xã Tây Yên còn phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh mở 05 lớp dạy nghề cho 140 người về điện lạnh gia dụng, xây dựng, đính cườm; tổ chức 7 lớp chuyển giao kỹ thuật canh tác tôm – lúa cho 200 hộ dân nhằm đa dạng hóa sinh kế mô hình phát triển kinh tế.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Tây Yên lập Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển năm 2018 (Chương trình 30a). Đối tượng thụ hưởng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cư trú ổn định tại địa phương, có lao động trực tiếp, có tinh thần học hỏi, chí thú làm ăn, có ý chí vươn lên thoát nghèo, có tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất… trên cơ sở bình chọn của người dân trên địa bàn, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở ấp để mọi người giám sát. 

Định mức hỗ trợ trực tiếp bằng con giống, vật tư… trị giá 10 triệu đồng/hộ. Cán bộ kỹ thuật có trách nhiệm tập huấn và thường xuyên bám địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn những hộ tham gia. Dự án này, ban đầu xã có 13 hộ được hỗ trợ mô hình tôm – lúa, 6 hộ nuôi gà. Thời gian hỗ trợ khoảng 01 năm, khi kết thúc vòng đời của con giống nuôi sẽ thu hồi 40% số tiền hỗ trợ (tiền mặt) để luân chuyển cho các hộ khác và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, Dự án mới được triển khai thì đã gặp một số trở ngại do nhiều hộ chê số tiền ít và chỉ đồng ý tham gia khi họ được nhận bằng tiền mặt, một số hộ thì “bẻ kèo” khi mùa vụ đã cận kề. 

Tương tự như Tây Yên, nhân dân ở 3 xã bãi ngang ven biển khác của huyện An Biên và 6 xã bãi ngang ven biển của huyện An Minh hầu hết đều chuyển qua mô hình một vụ tôm, một vụ lúa hay kết hợp tôm cua, nuôi sò huyết, trồng cây ăn trái cho thu nhập cao, ổn định. Nhưng, nhìn một cách tổng thể thì kết cấu hạ tầng ở những xã này vẫn còn yếu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao do tư tưởng của không ít người này ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, lười lao động, tiêu xài hoang phí… và chỉ đòi nhận tiền mặt của Dự án. 

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là một dự án có tính khả thi, phù hợp với tình hình hiện nay. Để mô hình này thành công và nhân rộng, trước hết phải làm cho họ chuyển biến tư tưởng vươn lên, không được coi đây là “con cá” mà là “cần câu” thì mới mong thoát nghèo bền vững.

Đọc thêm