Tết học sinh vẫn không dám rời sách vở

(PLVN) - Sau nghỉ Tết, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là học sinh lớp 9 sẽ bước vào kì thi vào lớp 10. Đa phần các em đã học được khoảng 2/3 chương trình với những kiến thức cơ bản và bước sang giai đoạn ôn luyện, hoàn thiện kiến thức. Bởi thế, Tết với học sinh lớp 9, vẫn không thể rời xa sách vở…
Thi lớp 10 luôn là cuộc thi cam go với HS Hà Nội. Ảnh minh họa

Kì thi… tay bo 

Nếu như kỳ thi THPT Quốc gia (xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học) được đánh giá là nhẹ nhàng, giảm sức ép, thì kỳ thi vào lớp 10 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước luôn vô cùng nóng bỏng. Đơn cử tại Hà Nội, hết lứa “Rồng Vàng” (sinh năm 2000) giờ là đến lứa “Khỉ Vàng” (2004) tăng đột biến.

Bởi thế, kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 sắp tới sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các thí sinh. Sẽ có khoảng 70% HS tốt nghiệp lớp 9 THCS trong tổng số hơn 100 nghìn HS được vào trường công lập. 

Cùng với đó, một điều khiến cuộc đua vào trường công lập tại Hà Nội cũng như các địa phương cả nước “nóng” hơn các năm trước là do năm nay Bộ GD&ĐT bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh (HS) có chứng chỉ nghề THCS trong tuyển sinh vào lớp 10. Đồng thời, thí sinh cũng sẽ không được cộng điểm từ cuộc thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa do Sở GD&ĐT tổ chức như nhiều năm trước đó.

Bởi thế, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 -2020 tại Hà Nội chỉ áp dụng điểm ưu tiên cho HS con em gia đình chính sách, người dân tộc ít người, khuyết tật bẩm sinh… Nghĩa là HS sẽ phải thi “tay bo” mà không có các điểm cộng hỗ trợ để giành suất vào THPT…

Và điều đặc biệt, kì thi năm nay, tại Hà Nội,  khó khăn thêm bội phần áp lực bởi số môn thi đã tăng lên gấp đôi thành 4 môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư được công bố vào tháng 3 tới). Ngoài học 3 môn thi đã biết (Toán, Văn, Ngoại ngữ),  thí sinh còn phải học đều các môn còn lại trong nhóm 6 môn được quy định sẽ chọn 1 môn làm môn thi.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có chỉ đạo các nhà trường và tổ nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS, quan tâm tới HS có học lực yếu, kém… Hướng dẫn ôn tập cho HS phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng; Hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập với hình thức theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; tránh học lệch, học tủ. Sở cũng lưu ý các trường thống nhất với HS và phụ huynh để sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe cho HS, tránh quá tải.

Học cả ngày đến… 1 h sáng

Bởi tính chất căng thẳng của kì thi, nên các gia đình có con học lớp 9 đều ưu tiên việc đầu tư ôn luyện kín mít thời gian. Do các môn thi trải rộng, đồng nghĩa với HS phải học đều các môn. Chị Mai Hoa, có con học tại THCS Thăng Long cho biết: “Năm nay kỳ thi của con thay đổi nhiều quá. Có phần gấp gáp và tăng số môn nên không còn cách nào khác là phải học nhiều hơn mới có thể thi được.

Vậy nên, biết con vất vả, nhưng cũng chẳng biết làm sao ngoài tạo điều kiện cho con học tập, ôn luyện mà không phải làm bất kỳ việc nhà nào. Lịch học của con kín mít từ đầu tuần tới cuối tuần, ngày thường học 3 ca, nhưng ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật học tới 4 ca liên miên. Hàng ngày, có giục con cũng không đi ngủ trước 1h.

Gia đình cũng không muốn con áp lực quá, nhưng để thi vào trường tốt, điểm chắc chắn phải trên 50 (theo mặt bằng chung mọi năm), do vậy, nếu không ôn luyện đều và kỹ càng thì khó mà đỗ được. Dịp nghỉ Tết này, con vẫn đi học thêm đến sát Tết. Mấy ngày Tết cũng chỉ loanh quanh ở nhà để ôn bài, làm bài…”.

Một cô giáo Văn cũng chia sẻ: “Với cách chấm điểm và ra đề Văn như hiện nay thì không có cách nào khác là các con phải “Văn ôn, võ luyện”. Các em luôn phải làm đề và học thuộc bài hàng ngày. Vì thế, dịp Tết, mình vẫn cho HS bài để ôn tập hàng ngày. Biết như thế là các em ăn Tết không được trọn vẹn, nhưng ra Tết là các em chỉ còn 3 tháng để hoàn thành, thi học kì 2 và vào nước rút chặng cuối ôn tập. Không làm bài tập về nhà sẽ không kịp thời gian nữa…”. 

Hoàng Trang, HS lớp 9 tâm sự: “Con định thi vào chuyên ngữ và mấy trường tốp đầu, nên không có ngày nào con ngủ trước 1h sáng. Căng thẳng lắm ạ, mẹ con tìm quá nhiều lớp học thêm, nên thời gian ở nhà để tự ôn và chuẩn bị bài vở trên lớp còn lại rất ít”…

Không nên học thêm quá nhiều

Các thầy cô khối THCS tại Hà Nội đều bảy tỏ,  năm nay HS sẽ áp lực hơn, đặc biệt là biết lượng sức mình trong chọn trường. Một số chuyên gia giáo dục cho biết, thời điểm luyện đề thích hợp và hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ bản thân HS. Khi đã trang bị kiến thức cơ bản thì HS nên bắt đầu làm đề hoặc có thể sớm hơn để đảm bảo học đến đâu chắc đến đó. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục Học mãi cho rằng: “Năm nay thi 4 môn nên việc lựa chọn 1 trường phù hợp sẽ khó hơn vì mỗi em phải ước lượng được năng lực của mình trong mỗi môn để ra được phần điểm số từ đó, chọn trường cho phù hợp. Thời điểm này, các em HS nên tập trung học đều và nắm chắc được các đơn vị kiến thức cơ bản.

Giai đoạn cuối khi ôn thi thì các em làm các đề thi kiểm tra để có được định hướng cho phù hợp. Kì thi vào 10 năm nay sẽ diễn ra từ đầu tháng 6, nếu trừ đi các khoảng thời gian nghỉ Tết và nghỉ lễ thì từ giờ đến lúc đó các em sẽ chỉ còn khoảng 3 tháng để luyện. Do vậy, nếu không gấp rút luyện đề, các em sẽ dễ rơi vào tình trạng bị động, nước đến chân mới nhảy”.

Thầy Hùng cũng cho rằng, về mặt kiến thức: Học sinh trang bị được 60 - 70% kiến thức cơ bản có thể bắt đầu luyện đề. Việc luyện đề thời điểm này giúp HS rà soát lại các kiến thức đã học, kiểm tra xem phần nào chưa tốt, phần nào hổng để bổ sung, đảm bảo học đến đâu chắc đến đó. Thứ hai là có kế hoạch học tập trong thời gian còn lại. Thời điểm đầu việc luyện đề cần kết hợp với trang bị kiến thức còn thiếu.

Về mặt thời gian: Học sinh nên có từ 3 - 4 tháng để làm quen với cấu trúc đề thi, luyện các dạng bài có trong đề thi để xác định rõ các nội dung cần học, có thời gian để luyện tập, trang bị kĩ năng làm bài cần thiết. Về mặt kĩ năng: Để rèn được kĩ năng làm bài, kĩ năng tiếp cận, phân tích bài làm, tiếp cận các dạng bài có thể xuất hiện trong đề thi, HS cần đủ thời gian và luyện tập thường xuyên. 

Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên hệ thống giáo dục Học mãi đưa ra phương pháp ôn luyện môn Ngữ Văn. Cụ thể, về kỹ năng trình bày, HS cần viết chữ rõ ràng, trình bày khoa học, đánh số thứ tự câu trả lời rõ trong bài thi.

Không được gạch đầu dòng, trả lời bằng chuỗi câu văn; không dùng bút xóa, nếu sai có thể gạch đi viết lại; không nên tẩy xóa bẩn.  Học sinh khi chép thơ hay trích câu văn, tên tác phẩm dùng dấu ngoặc kép. Nếu viết xong muốn bổ sung, thì HS cần ghi xuống bên dưới, ghi rõ bổ sung câu nào, phần nào. Có 2 kỹ năng trích thơ: Trích ngang - trích dọc.

Ngoài ra, thí sinh cần xác định rõ kiểu đoạn văn là diễn dịch; quy nạp; tổng - phân - hợp. Lập dàn ý ra nháp trước khi viết, xác định câu chủ đề của đoạn (khai thác tối đa đề bài), từ đó triển khai ý. Các em cần phân tích đi từ nghệ thuật đến nội dung, có tổng hợp khái quát; lưu ý đặc trưng thể loại thơ, truyện ngắn.

Học sinh cũng có thể đánh dấu số câu, chú thích rõ ràng bên dưới đoạn văn. Dù đề bài nêu cảm nhận, suy nghĩ hay phân tích, khi làm bài, HS vẫn bắt đầu từ kỹ năng phân tích. Diễn đạt cần mạch lạc, liên kết ý; không nên văn hoa sáo rỗng, dùng văn nói khi viết. Dùng từ ngữ phù hợp sắc thái nghĩa, tránh dùng từ mơ hồ khó hiểu. 

Về kỹ năng trả lời câu hỏi, thí sinh cần đọc kỹ đề bài, đề bài hỏi bao nhiêu vấn đề, trả lời đúng trọng tâm, tránh bỏ sót ý. Có thể lấy câu hỏi làm câu trả lời, tách các câu trả lời mạch lạc, không nên viết chi chít các ý vào nhau. Về kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, đầu tiên, HS cần lập dàn ý ra nháp trước khi viết. Sau đó xác định câu chủ đề của đoạn (Khai thác tối đa đề bài), từ đó triển khai ý…

Đồng thời, các thầy cô cũng cho rằng, các con cũng không nên học thêm quá nhiều, các con sẽ không có thời gian để ôn luyện, tự làm bài ở nhà. Bởi thực tế, có những phụ huynh cho con học vài lớp Toán, Văn.

Nhiều thầy cô ôn luyện theo chiêu, chưa xong bài tập chưa về, nên có những em 23h khuya mới từ lớp học thêm về nhà… Và đi học trở lại sau Tết là các con sẽ lại tiếp tục guồng quay học ở trường, ở các lớp học thêm đến 23h khuya là chuyện… thường.

Đọc thêm