Tết mùa mưa – Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hà Nhì ở Lai Châu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vào tháng 5 âm lịch hàng năm, khi bắt đầu mùa mưa, cây lúa vừa qua kỳ bén rễ, đang lúc sinh trưởng, phát triển là thời điểm người Hà Nhì (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) tưng bừng đón một trong những cái Tết to nhất trong năm - Tết mùa mưa.
Tết mùa mưa – Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hà Nhì ở Lai Châu

Đối với người Hà Nhì, Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ Tết quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm khi mà công việc mùa vụ mới vừa hoàn tất. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết.

Tết Mùa mưa được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày Hợi, Tí, Sửu đến hết ngày Dần. Trong 4 ngày này, mọi người trong gia đình không được đi làm mà chỉ vui chơi và cùng nhau ăn uống, múa hát vui vẻ để lấy lại sức sau một năm lao động vất vả. Trong Tết mùa mưa, các nghi thức, lễ thức chủ yếu diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo diễn ra phần hội.

Để chuẩn bị cho ngày Tết, từ chiều hôm trước, phụ nữ trong nhà sẽ đi lấy lá chuối, ngâm gạo nếp, chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho lễ cúng trong bản của Tết mùa mưa. Hai lễ vật quan trọng nhất và không thể thiếu trong Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì là thịt lợn và bánh dày. Gạo nếp được lựa chọn để giã bánh dày là loại gạo nếp do chính tay của những người trong gia đình cấy trồng, được lựa chọn kỹ càng của mùa vụ trước, được cất giữ, bảo quản cẩn thận nên hạt mẩy, khi đồ lên rất thơm, dẻo.

Bánh dày và thịt lợn là hai lễ vật không thể thiếu trong Tết màu mưa của người Hà Nhì

Bánh dày và thịt lợn là hai lễ vật không thể thiếu trong Tết màu mưa của người Hà Nhì

Trong ngày Tết đầu tiên, bà con thường dậy rất sớm làm bánh dày, mổ lợn để làm lễ cúng tổ tiên. Công đoạn giã bánh dày có sự tham gia của nhiều người trong gia đình, họ hàng để thể hiện tình đoàn kết, sự sẻ chia. Khi hoàn tất việc giã bánh, các gia đình sẽ nặn thành ba chiếc bánh để dâng cúng tổ tiên. Do nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, chăn nuôi nên đối với người Hà Nhì, bánh dày là thành quả của quá trình lao động chăm chỉ và vất vả thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân của thế hệ con cháu đối với các đấng sinh thành, tổ tiên.

Việc cúng lễ của người Hà Nhì, người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà, hoặc có vai trò quan trọng trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Họ cúng cả hai bên nội, ngoại. Khi chủ lễ cúng xong, bánh dày sẽ được hạ lễ, chia cho các thành viên trong gia đình cùng thụ lễ.

Các trò chơi trong dịp Tết mùa mưa cũng rất đa dạng và phong phú như đi cà kheo, đánh cù, hát đối giao duyên đến chơi đu lăng, bập bênh xoay vòng... Nhưng, trò chơi được xem là không thể thiếu trong dịp này là đu lăng.

Người Hà Nhì quan niệm rằng, việc chơi đu lăng là một hình thức sám hối cho những tội lỗi mà họ vướng phải trong suốt quãng thời gian trước. Cụ thể là việc săn bắn, giết hại những con vật trên rừng, mà mỗi con vật đều có linh hồn nên phải có hình phạt nhất định để giải oan cho linh hồn của những con vật để chúng không còn tìm về làm hại bản làng.

Người Hà Nhì sẽ dựng hai cây đu được trong đó cây đu trong nhà cho trẻ nhỏ, còn người lớn cùng nhau chơi cây đu ở khu đất giữa bản.

Các thành viên trong gia đình cùng nhau 'thụ lễ"

Các thành viên trong gia đình cùng nhau 'thụ lễ"

Tết mùa mưa, cũng là dịp để mọi người trong bản đến nhà chúc tụng, thăm hỏi nhau. Khi đến chúc Tết bất cứ nhà nào trong bản, các vị khách đều được gia chủ đón tiếp bằng những mâm cỗ đầy rượu, thịt và sản vật mà chính gia đình mình làm ra. Đây là truyền thống hiếu khách và là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của người Hà Nhì ở Lai Châu.

Tết mùa mưa của đồng bào Hà Nhì hiện nay đã có nhiều thay đổi trong khâu tổ chức và mang tính chất lễ hội nhiều hơn. Không gian Tết mùa mưa cũng có sự thay đổi. Trước đây nghi lễ cúng thường diễn ra tại ruộng nương, thì giờ đây nghi lễ có thể được tổ chức trong khuôn viên gia đình ông trưởng thôn, hay gia đình người sản xuất giỏi trong bản. Những phụ nữ chọn cho mình bộ trang phục mới và đẹp nhất để mặc trong ngày này.Tuy nhiên, nghi lễ vẫn giữ được không khí uy nghiêm, thể hiện sự thanh tịnh, thành kính của con người với thần linh.

Trước khi kết thúc Tết, tất cả các hộ gia đình đều mổ gà để làm lễ tạ. Trong lễ tạ này, một lần nữa bà con lại xin với đấng tối cao cho mưa thuận gió hòa, trồng cấy, chăn nuôi không sâu, không bệnh. Tết kết thúc, bà con Hà Nhì lại trở về với cuộc sống thường ngày với niềm tin vào sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, một vụ mùa mới bội thu.