Thách thức để thị trường bất động sản phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo dự báo của nhiều nhà kinh tế, 6 tháng đầu năm 2023 là thời gian khó khăn nhất của thị trường, “ánh sáng” tốt lên có thể cuối năm. Bên cạnh những giải pháp cụ thể, thị trường bất động sản sẽ phải xử lý các vấn đề về pháp lý, dòng tiền, tái cấu trúc.
Thị trường BĐS được kỳ vọng sớm phục hồi.
Thị trường BĐS được kỳ vọng sớm phục hồi.

Chia sẻ tại Hội nghị ngành Bất động sản (BĐS) khu vực miền Nam và khởi động Lễ hội BĐS Quốc tế Việt Nam năm 2023 diễn ra cuối năm 2022, TS.Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp khoảng 11% GDP.

Tuy nhiên, trong năm 2022 thị trường BĐS Việt Nam và doanh nghiệp BĐS đối diện với những khó khăn, bất cập như: cơ cấu nguồn lực cho thị trường còn bất hợp lý, chưa có nguồn vốn trung và dài hạn ổn định cho thị trường. Nguồn cung nhà ở sụt giảm, cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp; Chính sách phát triển nhà ở và thị trường BĐS còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng còn bất cập; quy hoạch chậm so với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển của thị trường BĐS...

Trước tình hình đó, ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện dự án BĐS cho địa phương, doanh nghiệp. Tiếp đó, ngày 14/12/2022, Thủ tướng đã ban hành Công điện 1164/CĐ-TTg tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở. Những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường BĐS Việt Nam.

Cùng góc nhìn, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, hiện nay, đa số các nhà kinh tế dự báo khó khăn nhất của năm 2023 sẽ rơi vào 6 tháng đầu năm tới. "Ánh sáng" tốt lên có thể cuối năm sau, bên cạnh những giải pháp cụ thể. Thị trường BĐS sẽ phải xử lý các vấn đề về pháp lý, dòng tiền, tái cấu trúc. Năm 2023, có thể đầu tư công sẽ tốt hơn, là chất kích thích cho thị trường BĐS. Bên cạnh đó, nguồn tiền trong dân còn rất lớn nhưng họ còn thiếu niềm tin. Do đó, trên dưới 1 quý, hoặc 2 quý của năm 2023 thì thị trường mới có thể khá lên. Nếu kịch bản ấy là hiện thực, ở lĩnh vực tài chính và BĐS, ánh sáng sẽ đến sớm hơn, vì đây là 2 thị trường được kỳ vọng đi trước nhất.

Dự báo thị trường BĐS 2023, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, dự báo thị trường năm 2023, bài toán trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là thách thức cần giải quyết; sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi dần; nguồn cung, pháp lý và vốn dần dần được tháo gỡ BĐS đất nền, khu công nghiệp, nhà ở tiếp tục điều chỉnh và khả quan; thị trường lành mạnh hơn, thực chất và bền vững hơn.

Về giải pháp đối với doanh nghiệp BĐS, cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi (nhất là các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ... ); có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn 2023 - 2024; đa dạng hóa nguồn vốn (tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư...); Thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro (nhất là rủi ro pháp lý, tài chính); phục hồi xanh, tăng trưởng xanh, bất động sản xanh đang là xu thế. Bên cạnh đó là chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới.

Doanh nghiệp bất động sản cầm cự, thu hẹp quy mô

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trước tình trạng lao dốc của thị trường bất động sản, nhiều công ty đang hoạt động ở mức cầm cự, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm đến 60 - 70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Một trong nhưng nguyên nhân là do "nghẽn" vốn, tắc nguồn vốn trái phiếu cũng như vốn huy động từ khách hàng.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho biết, theo thống kê của VARS, trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống. Nhiều môi giới chia sẻ, trong 2 quý vừa qua, thị trường hầu như không có giao dịch thực nên họ phải chịu lỗ với các khoản chi phí quảng cáo đã đổ ra. Quá chán nản, nên nhiều người đã bỏ nghề, đội, nhóm tan rã.

Đọc thêm