Thách thức nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK), Việt Nam có thể thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD. Đây là vấn đề đã được đề cập 10 năm nay trong khi nhiều vấn đề vẫn đang ngổn ngang.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại cuộc Hội thảo “Nâng hạng TTCK và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” diễn ra hôm qua (10/10), ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí nhà đầu tư cho rằng, nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn Chính phủ đang hướng tới. Theo đó, Việt Nam định hướng nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững đã yêu cầu nâng hạng TTCK Việt Nam để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Mới đây, tại Tọa đàm với các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực hết mình để nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi. Việc nâng hạng TTCK được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) cho hay, theo đánh giá chung của hai tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế là MSCI và FTSE cũng như chuyên gia WB, trong 12 vấn đề còn vướng mắc, có 2 vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Việc đánh giá và xem xét nâng hạng của MSCI được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm, còn với FTSE là tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Tại kỳ đánh giá tháng 9 vừa qua, Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị trí thị trường cận biên. Các kỳ đánh giá tiếp theo của FTSE là vào tháng 3 và tháng 9 năm sau. “Điều đó có nghĩa là để nâng hạng trước 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng. Đây là mục tiêu rất thách thức đối với Việt Nam!”, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhấn mạnh.

Liên quan đến yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, TS Nguyễn Sơn cho rằng, mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án căn bản và tối ưu để xử lý các vướng mắc. Tuy nhiên, vấn đề này đang vướng do pháp luật về chứng khoán đang có quy định trong khi Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn chưa quy định. Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đề xuất các giải pháp lâu dài và trước mắt để đáp ứng yêu của các tổ chức xếp hạng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thì đặt vấn đề: “Nhiều người lo nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro khi nhà đầu tư không thanh toán?”. Theo ông Lực, khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới “bùng” thanh toán chỉ 2%, tương đương mức tổn thất 3 tỷ USD/năm. Do đó, Việt Nam nên cân nhắc vấn đề này. Để phòng ngừa rủi ro, ông Lực đề xuất, ngoài nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tăng chế tài xử phạt, cần tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định.

Chuyên gia Kinh tế - TS Võ Trí Thành thì cho rằng “tinh thần rất ổn” nhưng để đi đến cụ thể phải xem xét tác động đến cả thị trường, bởi tác động lan tỏa của thị trường tài chính rất lớn, rất dễ có những rủi ro đạo đức. “Nó không phải là vấn đề rủi ro của người giao dịch, công ty chứng khoán (ký quỹ hay không ký quỹ). Vấn đề làm sao để minh bạch. Quản trị rủi ro ở đây không chỉ cho người giao dịch mà của cả thị trường…”, ông Thành băn khoăn.

Đọc thêm