Lỗi hẹn vì COVID-19?
Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW (Nghị quyết 08) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.
Nghị quyết 08 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; Ðóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; Tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, Du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, ngành Du lịch nước ta đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng; nhiều năm liền số lượng khách trong nước và quốc tế tăng mạnh. Năm 2019 (năm trước dịch COVID-19), số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu người, tương đương nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á. Ngành Du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành.
Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Tổng cục Thống kê, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước; Doanh thu du lịch lữ hành chỉ đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng chỉ đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đại dịch COVID-19 cũng là dịp để ngành công nghiệp không khói “xốc” lại đội hình, hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 08 đã đề ra.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội; Du lịch chưa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế; Thiếu chính sách phù hợp để du lịch phát triển, vận hành theo quy luật thị trường… đang là những vấn đề cần tháo gỡ.
Cần tinh thần khởi nghiệp du lịch
|
Khách quốc tế rất quan tâm đến du lịch nông nghiệp của Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet) |
Tại Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia lần thứ I do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) chủ trì tổ chức cuối tuần qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski không giấu được xúc động khi chia sẻ ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam: “Nếu so sánh, du lịch Việt Nam không hề thua kém các nước. Tiềm năng ngành Du lịch Việt Nam là không giới hạn, thậm chí có sự thu hút tuyệt vời mang đẳng cấp thế giới. Các ban nên có tham vọng hơn trong việc làm thế nào để hướng tới thu hút nhóm du khách cao cấp…” - Đại sứ Andrew Goledzinowski đưa ra lời khuyên.
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về du lịch, các bãi biển của Việt Nam được xếp trong nhóm 15 các bãi biển đẹp của thế giới và ẩm thực Việt Nam nhất là “ẩm thực đường phố” luôn được xếp ở top đầu… Tuy nhiên, trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực phát triển du lịch thì du lịch Việt Nam chỉ ở mức trung bình. Năm 2021, dù đã tăng 8 bậc so với năm 2019 và là một trong những quốc gia có tốc độ cải thiện nhanh nhất nhưng năng lực phát triển du lịch của Việt Nam chỉ xếp thứ 52/117 quốc gia theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Việt Nam được đánh giá cao môi trường du lịch đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh an toàn, y tế, vệ sinh. Các yếu tố về thể chế, chính sách cho phát triển du lịch chỉ mới đạt ở mức trung bình. Hạ tầng cho phát triển du lịch còn được xếp ở thứ hạng rất thấp. Chỉ số phát triển bền vững thì chỉ¬¬ đạt 132/141 quốc gia… Tuy nhiên, với năng lực cạnh tranh về giá, Việt Nam lại được đánh giá cao (xếp thứ hạng 22).
Theo Đại biểu Quốc hội, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự VINEN, những thông số trên là điều “không thể không trăn trở”. “Chừng nào ngành du lịch còn chủ yếu cạnh tranh bằng giá, có nghĩa là phát triển du lịch giá rẻ với GTGT không lớn, thì chừng đó chúng ta không thể tạo ra bước phát triển bứt phá. Và suy cho cùng, ngành Du lịch của chúng ta cũng chỉ là ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, chưa phát huy được các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh, chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp khác cộng sinh và bổ trợ cho công nghiệp du lịch…” - TS. Lộc phân tích, đồng thời cho rằng phát triển du lịch thời gian tới cần tập trung vào khắc phục những “điểm nghẽn” này. “Chúng ta cần tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vục du lịch. Khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang có dư địa và tiềm năng rất lớn…” - ông nói.
TS Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ một số định hướng phát triển du lịch hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, hệ sinh thái phát triển du lịch cần có những DN đầu đàn gắn kết với các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh, trong các chuỗi cung ứng; Cần có hợp tác liên vùng, liên ngành, liên cấp và đổi mới sáng tạo hơn trong phát triển du lịch…“Trong phát triển du lịch, việc đối xử với ngành Du lịch như một ngành kinh tế tổng hợp, kết hợp xúc tiến văn hoá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng…” - nguyên Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
(TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch danh dự VINEN):
“Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, khủng hoảng lương thực trên thế giới đang nhãn tiền, yêu cầu hình thành các vành đai lương thực, thực phẩm an toàn cho các quốc gia đang trở thành vấn đề hệ trọng, thì việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại gắn liền với công nghiệp chế biến và có GTGT lớn là một lợi thế tuyệt vời của Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng sinh với thế mạnh này cũng là một tiềm năng lớn.
Việc định vị thương hiệu như vậy đã nhấn mạnh hai lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam là phát triển nông nghiệp trở thành “vựa lúa” (gắn với ngành công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản với GTGT lớn) và du lịch phát huy lợi thế “bếp ăn” của thế giới với những giá trị ẩm thực đặc sắc. Tất nhiên, lợi thế phát triển du lịch không chỉ có nền ẩm thực đặc sắc mà đằng sau nó là một nền nông nghiệp phong phú, đa dạng, các tài nguyên, di sản thiên nhiên và các giá trị nhân văn vô giá của của dân tộc Việt…”.
(Bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc NovaGroup):
“Nhiều địa phương có nét tương đồng trong du lịch sinh thái, miệt vườn, chợ nổi, văn hóa lịch sử gắn với di tích, du lịch tâm linh... Ðiều này khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết và sẽ không trải nghiệm tiếp các vùng lân cận. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giao thông thiếu đồng bộ, sự khác biệt về văn hóa ứng xử với du khách. Các khiếm khuyết này đã làm tỷ lệ khách du lịch quay trở lại rất thấp.
Liên kết vùng sẽ là bước đột phá, tạo nên sự đa dạng, thuận tiện về quy mô, hấp dẫn và quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cấp đồng bộ. Trong chiến lược này, mỗi tỉnh, thành cần xác định một sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, MICE, wellness…) phù hợp với thế mạnh của địa phương…”.
(Ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour):
“Chúng tôi ước tính khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng 100 USD/ngày, còn con số này tại Thái Lan là 160 USD/ngày. Ở nhiều điểm du lịch của Việt Nam, vẫn còn tồn tại câu chuyện khách đến không biết vui chơi gì hoặc dịch vụ đóng cửa sau nửa đêm. Trong khi đó, cũng khách Việt Nam khi đi nước ngoài thì buổi tối đi xem show, vũ trường, vui chơi giải trí và chi tiêu rất nhiều. Vì vậy, chúng ta cần quy hoạch không gian giải trí dành cho du khách tách xa các không gian văn hóa hay khu dân cư, vừa tránh sự xung đột, vừa khai thác tối đa và cũng là đáp ứng nhu cầu của khách du lịch…
Chúng tôi kỳ vọng ngành Du lịch Việt Nam sẽ tận dụng tốt hơn các thế mạnh văn hóa, ẩm thực cũng như bổ sung loại hình vui chơi giải trí, kinh tế đêm nhằm gia tăng chi tiêu của khách, khai thác tối đa và bền vững những nguồn lợi mà ngành Du lịch có thể mang lại”.