THADS chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở

(PLO) - Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó có giao những chỉ tiêu cụ thể cho ngành Thi hành án dân sự (THADS). Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết này, theo đánh giá của nhiều Đại biểu Quốc hội: “Ngành THADS đã nỗ lực hết sức và đạt những kết quả quan trọng”. Đạt được những kết quả đó, không thể không kể đến vai trò của THADS địa phương.
THADS chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở
Nhiều cách làm sáng tạo
Năm qua, do nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn nên rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đương sự… phải thi hành án (THA) nhưng không có tài sản thi hành. Trong khi đó, số lượng án dân sự phải thụ lý và giải quyết ở các cơ quan THADS ngày càng tăng cao khiến việc thực hiện các chỉ tiêu được giao hết sức khó khăn. Nhận thức việc thực hiện Nghị quyết 37 là “vinh dự cũng là trách nhiệm nặng nề”, ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp, Cục THADS các địa phương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ đến lãnh đạo cơ quan THADS, giao nhiệm vụ đến từng Chấp hành viên. 
Trên cơ sở đó, từng hồ sơ THADS được soát xét kỹ, nhất là về quy trình thủ tục và việc có hay không có điều kiện thi hành. Đây chính là tiền đề để quyết định một bản án có được thi hành trên thực tế hay không. Ngoài việc bảo đảm sự chính xác trong khâu xác minh điều kiện THA, các địa phương còn tăng cường công tác hậu kiểm để tránh tình trạng biến án có thành không có điều kiện thi hành.
Đặc biệt, với những giải pháp được coi là đột phá, nhiều địa phương đã đạt những kết quả cao trong công tác THADS. Là địa phương có lượng án dân sự phải thi hành rất lớn, lại liên tục gia tăng qua từng năm cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp, tuy nhiên, với quyết tâm cao, năm 2013 các cơ quan THADS Thủ đô lại tiếp tục vượt chỉ tiêu được giao cả về việc và về tiền. 
Trong đó, một giải pháp được ngành THADS Thủ đô quyết liệt thực hiện là việc giao chỉ tiêu đến từng Chi cục cơ sở và Chấp hành viên. Đồng thời với việc giao chỉ tiêu là tiến hành 45 cuộc kiểm tra đối với các Chi cục và kiểm tra 10 cuộc đối với Chấp hành viên thuộc Cục. 
Tương tự là TP Hồ Chí Minh, năm qua TP này đã thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng các đợt cao điểm về THA; tổ chức chương trình đối thoại với Chấp hành viên, đối thoại với các ngân hàng, tổ chức tín dụng; xây dựng kế hoạch thí điểm cho người được THA là các ngân hàng, tổ chức tín dụng lựa chọn Chấp hành viên tổ chức THA; thực hiện công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân án cho Chấp hành viên; thu hút đội ngũ nhân lực mạnh về đầu quân cho ngành… Với những giải pháp như vậy, năm 2013 ngành THADS TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết xong 55.108 việc, tăng 12%, với giá trị 9.814,9 tỷ đồng.
Cũng là những giải pháp về đội ngũ cán bộ, Hưng Yên, Nghệ An, Yên Bái… đã đưa Chấp hành viên về những nơi có án nhiều, phức tạp hay vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn để giải quyết án tồn. Đồng Tháp và một số tỉnh Nam bộ còn lập Tổ giải quyết án để thúc đẩy nhanh quá trình THADS. Nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa các ngành, Hà Tĩnh, Đồng Nai… đã ký Quy chế phối hợp, đặc biệt với các tổ chức tín dụng để đánh giá căn cơ và tháo gỡ vấn đề về nợ xấu. 
Đặc biệt, năm 2013 là năm nhiều địa phương thụ lý và phải thi hành nhiều vụ việc có giá trị lớn, phát huy vai trò của cơ quan thường trực, THADS đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo THA chỉ đạo, giải quyết nhiều vụ án phức tạp, kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm, được dư luận đồng thuận. Năm 2013, 12 địa phương (không kể TP.Hồ Chí Minh) nằm trong danh sách thí điểm Thừa phát lại cũng đang rốt ráo chuẩn bị những điều kiện cần thiết đưa vào thí điểm chế định Thừa phát lại vào triển khai theo chủ trương của Quốc hội.
Năm 2014, tổ chức cán bộ là khâu đột phá
Đánh giá chung về công tác THADS năm 2013, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Mặc dù chưa hoàn thành chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền (tính theo tỷ lệ %), song về giá trị tuyệt đối, đã giải quyết xong số việc và tiền cao hơn nhiều so với năm 2012. Việc thực hiện các chỉ tiêu về xác minh, phân loại án dân sự, ra quyết định THA, khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động THA đã được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đạt được kết quả tiến bộ hơn so với năm 2012. Có thể khẳng định rằng, công tác THADS năm 2013 tiếp tục có chuyển biến cơ bản và bền vững. Công tác THA hành chính và mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại cũng đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện”.
Báo cáo của Chính phủ về công tác THADS cũng cho thấy, các chỉ tiêu về ra quyết định THA bảo đảm đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi THA; bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm chú trọng, đáng lưu ý là việc biệt phái Chấp hành viên tăng cường cho các địa bàn có số lượng án lớn, còn nhiều yếu kém; chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS ngày càng được nâng cao, tiếp tục đi vào nền nếp; đã giải quyết được 41/54 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Kết quả này, bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong đó có việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, sự phối hợp của các ngành chức năng, còn là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm chính trị cao của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác THADS trong cả nước.
Đánh giá về công tác THADS năm 2013, theo Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện,  trong bối cảnh khó khăn của năm 2013 số lượng án THADS tăng mạnh cả về số vụ  cũng như giá trị thi hành, nhưng công tác THADS đã đạt những kết quả tích cực. Mặc dù chưa hoàn thành chỉ tiêu về việc, về tiền tính theo tỷ lệ % theo Nghị quyết 37 nhưng về giá trị tuyệt đối, đã giải quyết xong số việc và tiền cao hơn so với năm 2012. Sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC cũng như các cơ quan THADS với trại giam, trại tạm giam... được tăng cường. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác THA cũng còn những hạn chế  cần khắc phục.
Năm 2014, bên cạnh việc tiếp tục giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan THADS địa phương, trong đó tập trung giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành đối với những vụ án lớn, phức tạp, Chính phủ xác định  nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là vai trò của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nhất là tự kiểm tra; kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, năm 2014 Chính phủ cũng xác định lấy công tác tổ chức cán bộ là khâu đột phá, trong đó tiếp tục tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ có chức danh pháp lý bảo đảm đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng; tuyển dụng đủ biên chế được giao; tập trung chấn chỉnh, củng cố, kiện toàn đối với các đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém hoặc mới thành lập; đồng thời tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương trong toàn hệ thống, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức THA, xác định đây vừa là công việc cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên lâu dài.
Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII cho biết, trong năm 2013, ngành THA đã giải quyết xong 492.975 việc, đạt tỷ lệ 86,53% (thấp hơn chỉ tiêu được giao 1,47%). So với năm 2012, tăng 97.691 việc (25%), nhưng giảm 2% về tỷ lệ;  về tiền, đã giải quyết xong 28.965 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,17% (thấp hơn chỉ tiêu được giao 3,83%). So với năm 2012, tăng 18.620 tỷ đồng (180%), nhưng giảm 3,81% về tỷ lệ.

Đọc thêm