Tham gia Bảo hiểm nhân thọ: Chuyên gia pháp luật lưu ý khách hàng trước khi ký hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hợp đồng dài, nhiều thuật ngữ chuyên môn có thể khiến khách hàng bối rối trong quá trình tham gia bảo hiểm. Liên quan vấn đề này, Thạc sĩ Trần Minh Hiệp, Giảng viên tổ Tài chính - Ngân hàng, khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP HCM đã có những chia sẻ giúp khách hàng hiểu “quyền” để giữ “lợi” khi tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Chuyên gia pháp luật Trần Minh Hiệp
Chuyên gia pháp luật Trần Minh Hiệp

Mua bảo hiểm có mạo hiểm?

Theo ông, khách hàng cần lưu ý những gì trước khi đặt bút ký một hợp đồng bảo hiểm (BH) nhân thọ?

- Để bảo đảm quyền lợi cho mình, người mua phải yêu cầu đại lý BH tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong hồ sơ yêu cầu BH, quy tắc và điều khoản BH, hợp đồng BH của sản phẩm BH mình muốn mua. Với những câu trả lời không rõ ràng, bạn có thể yêu cầu đại lý BH cung cấp căn cứ pháp lý cho nội dung trả lời; trường hợp cần thiết, bạn phải tự kiểm tra độc lập về thông tin mà bạn nhận được.

Cùng với đó, người mua BH phải kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin về nhân thân và tình trạng sức khỏe. Việc kê khai không đầy đủ và chính xác có thể được xác định là hành vi lừa dối khi giao kết - căn cứ làm cho hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu và không được chi trả BH phổ biến nhất hiện nay.

Đặc biệt, khách hàng phải tự mình kê khai tất cả các thông tin, ký tên trên các hồ sơ cung cấp và ký tên lên tất cả các trang của hợp đồng BH; tuyệt đối không nhờ đại lý BH khai hồ sơ và ký tên thay.

Đôi khi chính khách hàng cũng không nắm hết được tình trạng sức khỏe của mình, làm thế nào để khai đúng, khai đủ bảo đảm quyền lợi?

- Người mua BH cần hiểu mục đích của việc cung cấp thông tin chính xác là để doanh nghiệp (DN) BH xác định được rủi ro, xác định được khả năng tài chính của khách hàng khi tham gia BH lâu dài, ổn định và xác định số tiền BH với mức độ đóng phí phù hợp. Những thông tin này phải trung thực, chính xác và theo sự hiểu biết của người mua BH.

Theo quy định của pháp luật kinh doanh BH, DN có quyền từ chối thanh toán tiền BH khi phát hiện khai sai, khai thiếu trung thực. DN BH có đầy đủ cơ sở dữ liệu và khả năng kiểm tra hầu như các thông tin về sức khỏe, bệnh lý, tính hình điều trị của người được BH nên người mua BH không nên có ý định lừa dối khi cung cấp thông tin.

Vì vậy, trong trường hợp người mua BH không chắc chắn nhớ hết được tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý, lịch sử khám, chữa bệnh của người được BH thì nên trao đổi vấn đề này với đại lý BH về câu hỏi và thông tin cần khai báo. Đồng thời, hạn chế các câu trả lời mang tính xác nhận “có” hay “không” mà nên sử dụng các câu trả lời mang tính bao quát như tôi có từng điều trị, có từng khám nhưng không nhớ rõ.

Khi khách hàng nhận được một bộ hợp đồng cần lưu ý những gì, thưa ông?

- Người mua phải đọc, nghiên cứu thật kỹ hồ sơ yêu cầu BH và hợp đồng, nhất là các điều khoản đặc thù như điều khoản loại trừ BH, quyền lợi BH, khôi phục hiệu lực của hợp đồng BH, bảng câu hỏi và nội dung cần trả lời, bảng minh họa chi tiết quyền lợi BH, phí BH, điều khoản chấm dứt hợp đồng, thời hạn hợp đồng BH và thời hạn đóng phí…

Xin nhấn mạnh, khung pháp lý của hợp đồng BH không chỉ là bản hợp đồng mà còn gồm bộ quy tắc và điều khoản sản phẩm sản phẩm chính và bổ trợ, giấy chứng nhận BH, hồ sơ yêu cầu BH, bảng minh họa quyền lợi BH, các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng (nếu có).

Tôi lưu ý người mua BH cần đọc kỹ bộ “quy tắc BH” vì đây là khung pháp lý cơ bản để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Cần đọc hết, hiểu đúng và luôn yêu cầu đại lý BH giải thích rõ ràng, thuyết phục, có căn cứ để tin tưởng lời giải thích đó. Trong trường hợp chưa rõ, người mua BH có thể liên lạc trực tiếp DN thông qua các kênh trực tuyến để có thể tìm hiểu thêm, thậm chí tư vấn luật sư trong lĩnh vực này.

Nếu bộ hợp đồng BH quá dài, để dễ hiểu và nắm bắt được các nội dung chính, trước khi đọc, cần xem trước các nội dung tóm tắt, lắng nghe ý kiến tư vấn của đại lý BH và cũng có thể xem giải thích hợp đồng BH từ DN BH thông qua website chính thức. Thời gian qua, cũng đã có DN BH cải tiến để người mua dễ dàng nắm được “quyền” và “lợi” của mình khi tham gia BH, điển hình như bộ hợp đồng BH mới 2023 của Prudential. Những tóm tắt, dẫn giải ngắn gọn này giúp bạn định hình vấn đề chính cần lưu ý.

Hiểu “quyền” để “giữ” lợi

Sau khi ký hợp đồng, khách hàng cần làm những gì để có thể “giữ” quyền lợi của mình, thưa ông?

- Sau khi ký hợp đồng, người mua BH phải tuân thủ đóng phí BH đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu đã quá thời hạn gia hạn đóng phí được quy định trong hợp đồng, người tham gia cần kiểm tra kỹ điều kiện, trình tự thủ tục, phương thức và nghĩa vụ của bên mua BH khi khôi phục hiệu lực hợp đồng (đặc biệt là nghĩa vụ cung cấp thông tin thay đổi so với thời điểm ký hồ sơ yêu cầu BH, như thông tin về sức khỏe, thói quen…).

Kinh nghiệm cho thấy, sức khỏe, bệnh lý, thói quen, các thông tin có liên quan có thay đổi so với thời điểm ban đầu, vì vậy, khách hàng cân nhắc kỹ và tránh chủ quan tùy tiện khi ký cam kết rằng không có sự thay đổi.

Khi có sự kiện BH, khách hàng nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

- Khách hàng phải phối hợp với DN BH để cung cấp thông tin về sự kiện BH, chuẩn bị hồ sơ tài liệu có liên quan để xuất trình kịp thời theo yêu cầu. Trong trường hợp cần thiết, khách hàng có thể làm văn bản xin gia hạn. Khách hàng nên tận dụng liên lạc với DN BH bằng tất cả các kênh chính thức như hotline, thư điện tử… Chỉ sử dụng kênh liên lạc với đại lý BH như là một kênh tư vấn hỗ trợ chứ không phải là kênh duy nhất.

Khách hàng cần chủ động cung cấp thông tin, tình tiết, hồ sơ để DN có đủ dữ liệu để thẩm định sự kiện BH, đặc biệt, cần cung cấp hồ sơ để chứng minh hoặc có văn bản giải trình chi tiết về các yếu tố, căn cứ, tình tiết có thể dẫn đến loại trừ hoặc kéo dài thời gian chi trả. Khi tham gia BH nhân thọ, nếu xác định rõ những thông tin trên đây, thì việc mua BH sẽ không phải là mạo hiểm, mà BH sẽ đóng vai trò bảo vệ bản thân, gia đình tốt nhất.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm