Tham gia BHXH bắt buộc tại hợp tác xã: Cần mở rộng đối tượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, với khoảng 6 triệu thành viên, gần 1 triệu người lao động (NLĐ) thường xuyên thì lao động tại các hợp tác xã (HTX) hiện đang chiếm một số lượng khá lớn và là nguồn để phát triển số tham gia BHXH.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dư địa còn lớn

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) với NLĐ và cán bộ quản lý tại HTX được thực hiện từ 2003. Cụ thể, Nghị định 01/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP ngày 26/1/1995 đã quy định bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là NLĐ, xã viên làm việc và hưởng tiền công theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 3 tháng trở lên trong các HTX thành lập, hoạt động theo Luật HTX.

Từ 2016 đến nay, theo quy định tại Luật BHXH 2014, đã bổ sung đối tượng tham gia BHXH là NLĐ, cán bộ quản lý trong HTX theo hướng toàn diện hơn.

Theo đó, đã sửa đổi hoàn thiện quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với người quản lý, điều hành HTX có hưởng tiền lương. Từ 1/1/2018, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên trong các HTX.

Bên cạnh đó, Luật BHXH cũng đã quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó xã viên, NLĐ thuộc HTX không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Bộ LĐTB&XH đánh giá, giai đoạn vừa qua, chính sách BHXH với người làm việc trong các HTX được ban hành kịp thời, phù hợp với quá trình phát triển của kinh tế hợp tác và điều kiện, nhu cầu của NLĐ, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo vệ NLĐ và thân nhân của họ trước các rủi ro trong quá trình sản xuất, tạo điều kiện cho người làm việc trong HTX có lương hưu khi hết tuổi lao động.

Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 đơn vị (gấp 2,5 lần) so với 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu NLĐ.

Tuy nhiên, số HTX tham gia BHXH bắt buộc là 7.451 đơn vị chiếm 28,61% số HTX, số người tham gia BHXH bắt buộc thuộc HTX là 41.560 người, thực tế chỉ chiếm dưới 2% số lao động thường xuyên tại HTX.

Cần nghiên cứu mở rộng đối tượng

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH bắt buộc thuộc các HTX còn có xu hướng không ổn định. Trong khi đó, số HTX tham gia đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ và xã viên trong HTX thì lại có xu hướng tăng lên qua từng năm. Điều này có nghĩa là bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc trung bình trên mỗi đơn vị HTX đang có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số đơn vị, NLĐ, cán bộ quản lý trong HTX đang có xu hướng giảm. Tháng 10/2021, số người tham gia BHXH thuộc HTX là 37.646 (giảm 9,4% so với cuối 2020), số HTX tham gia BHXH là 5.688 đơn vị (giảm 23,66% so với cuối 2020).

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người thuộc HTX, cơ bản tương đương với mức thu nhập bình quân của NLĐ trong HTX (4,3 triệu đồng/tháng). Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người thuộc HTX thấp hơn mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ nói chung. Mức tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người thuộc HTX về cơ bản còn thấp so với mức tăng bình quân tiền lương chung làm căn cứ đóng BHXH (trừ năm 2018).

Giai đoạn 2016-2020, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách BHXH nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong HTX, nhưng số người thuộc khu vực này tham gia BHXH vẫn còn khiêm tốn so với số lao động làm việc thường xuyên tại các đơn vị này.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, bên cạnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật BHXH với HTX, NLĐ, thành viên HTX, Bộ LĐTB&XH đề nghị cần rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương khi sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.

Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn để thu hút sự tham gia của NLĐ trong khu vực HTX gắn với đặc thù của khu vực này là nhiều việc làm không chính thức, thu nhập không ổn định.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách BHXH với NLĐ làm việc trong các HTX.

Đọc thêm