|
Bài hát Cắm sừng ai đừng cắm sừng em. |
“Như vậy là không tôn trọng khán giả”
“Âm nhạc là nghệ thuật gắn bó với con người từ khi lọt lòng mẹ cho tới lúc từ biệt cuộc đời…” – nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đúng như vậy, âm nhạc và nghệ thuật tuy hai mà một, âm nhạc sẽ không phải là nó nếu không có tính nghệ thuật trong đó. Âm nhạc tượng trưng cho một phần nghệ thuật trong cuộc đời con người. Vì vậy dựa theo tiêu chí của nghệ thuật, âm nhạc là sự sáng tạo trong mọi hoạt động để tạo ra các sản phẩm chứa đựng giá trị lớn về tư tưởng, tinh thần và chạm sâu tới cảm xúc của khán giả.
Muốn làm được điều đó vốn không phải dễ, sáng tác một tác phẩm âm nhạc đã khó, nhưng làm sao để tác phẩm đó vừa thu hút được người nghe vừa đảm bảo tính nghệ thuật lại càng khó hơn. Chính ở thị trường âm nhạc bây giờ, nhiều người chỉ quan tâm đến vế thu hút người nghe mà quên đi mất tính nghệ thuật trong đó. Bởi thế mà hiện nay, không phải sản phẩm âm nhạc nào ra đời cũng được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật đích thực mà chỉ là tác phẩm tạo “hit”, “đánh bóng” tên tuổi nghệ sĩ.
Dẫu biết rằng nghệ thuật là để sáng tạo, nhưng âm nhạc vốn có những tiêu chuẩn riêng, âm nhạc mang ra thị trường thì càng có tiêu chuẩn cao. Đối với mỗi bài hát được nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ thể hiện cần phải có sự chỉn chu, chuyên nghiệp, “đầu tư chất xám” cho tác phẩm. Từ ca từ, giai điệu, nhan đề ca khúc và ý nghĩa bài hát đều cần là mối quan tâm hàng đầu của người nghệ sĩ. Cái khán giả cần chính là những ca khúc hay, những giọng hát đẹp chứ không phải những bài hát vô nghĩa, nội dung đánh đố hay câu từ dễ dãi, phản cảm,…
Ấy vậy mà, nền âm nhạc Việt Nam giờ đây lại xuất hiện những tác phẩm “không đầu, không đuôi”, những bài hát không mang đến chút ý nghĩa và tính nghệ thuật nào trong đó. Điển hình trong đó là bài hát mới ra những ngày gần đây, “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” của tác giả Rin9, thể hiện Phí Phương Anh. Dù tác phẩm đã thành công với việc thu hút người nghe và trở thành tâm điểm của mạng xã hội. Không chỉ bài hát mà cả ca sĩ, nhạc sĩ hay vũ điệu nhảy của bài hát cũng làm chao đảo cộng đồng mạng những ngày qua.
Vậy nhưng, sự nổi tiếng ở đây không phải từ ý kiến tích cực mà lại xuất phát từ những tranh cãi trái chiều khi nhiều ý kiến cho rằng đây là thảm họa Vpop. Hiện MV này đang có 3,9 triệu lượt xem nhưng lại nhận được “cơn bão” dislike của cộng đồng mạng với 145 nghìn lượt. Khán giả nhận xét với những bình luận như: “Ekip thật can đảm khi cho ra mắt, đây không phải âm nhạc và càng không phải một tác phẩm nghệ thuật, đây là sự chắp vá một cách vô tổ chức từ giai điệu, ca từ để thành một bài hát không ra hồn”. Hay những bình luận: “Viết cái lời nhảm nhí vậy mà cũng thành bài hát được”, “Nhạc ngang tai khác gì nhạc chế không?”, “Bài hát với giai điệu không hợp lý, lời bài hát gượng ép nhảm nhí vô nghĩa, không đọng lại một chút cảm xúc nào khi nghe xong bài hát này”.
Có thể thấy ngay chính khán giả - đối tượng mà bài hát muốn thu hút cũng không thể “ngấm” nổi sản phẩm này. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi khán giả bây giờ họ cũng rất quan tâm đến tính nghệ thuật và có những tiêu chuẩn đánh giá riêng của mình. Không chỉ âm nhạc mà ngay cả phim ảnh, hội họa,… đều sẽ bị khán giả quay lưng nếu nghệ sĩ không có đạo đức nghề nghiệp. Điều đáng cười ở đây là điệp khúc của bài hát giống với nhan đề lại được phần đông khán giả nghe thành: “Cơm sườn hay cơm tấm chứ anh đừng cơm sườn em anh nhé”. Đến câu điệp khúc - phần quan trọng của bài hát mà bị khán giả nghe ra như vậy thì cũng không bất ngờ trước những phản ứng tiêu cực đó.
Không chỉ khán giả mà có cả những nghệ sĩ trong nghề cũng phản đối sản phẩm này. Hot streamer, nhạc sĩ Virus, một người có tiếng trên cộng đồng mạng và cũng là tác giả của một vài bài hát “hot” đã lên tiếng ngay sau khi xem MV “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em”. Anh có thái độ bất ngờ và gay gắt với phần điệp khúc của bài với câu hát: “Sừng không tự nhiên sinh ra, sừng không tự nhiên mất đi mà chỉ là chuyển từ đầu người này sang đầu người khác”.
Theo Virus, anh cho rằng: “Mọi người cần phải biết đâu là sản phẩm đầu tư và sản phẩm không đầu tư. Nếu như ý định của họ muốn cố tình làm để viral ca khúc này thì điều tệ nhất đang xảy ra chính là nhận thức về âm nhạc của mọi người đang có vấn đề. Chỉ vì đoạn điệp khúc mà mọi người quên mất giá trị của âm nhạc. Tất nhiên tớ không nói bài này quá tệ đến mức miệt thị nhưng một người làm âm nhạc phải có đạo đức và tôn trọng người nghe. Tớ cực kỳ lên án người viết ca khúc này”. Anh cũng khẳng định rằng: “Đạo đức nghề nghiệp không cho phép tớ ủng hộ sản phẩm này. Nếu mọi thứ cũng dễ dàng như vậy thì học nhạc làm gì. Như vậy là không tôn trọng khán giả. Chỉ vì sự tò mò, nghe nhiều mà mọi người share quá nhiều. Trời đất ơi, không có ai viết một bài hát như thế này”.
Đúng là như vậy, âm nhạc được làm ra để cho khán giả thưởng thức, họ cảm nhận và thấy được những ý nghĩa, tính nghệ thuật mà âm nhạc truyền tải, chứ không phải là những bài hát được viết ra chỉ để cho có, không đọng lại một chút gì trong lòng khán giả. Như vậy là không tôn trọng khán giả và cũng không tôn trọng chính âm nhạc. Những sản phẩm giống như vậy không phải là hiếm và nó đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay.
|
Ảnh chế bài hát Cắm sừng ai đừng cắm sừng em. |
Lỗi thuộc về các nghệ sĩ trẻ?
Vậy câu hỏi được đặt ra là lỗi thuộc về các nghệ sĩ trẻ? Rõ ràng điều đó không đúng và đã được chứng minh. Bởi những năm trở lại đây, thị trường âm nhạc Việt Nam đang ngày càng “trẻ hóa”. Theo thời gian, những nghệ sĩ gạo cội cũng đã đến tuổi “về hưu”, nhường chỗ cho các tài năng trẻ trong sân chơi âm nhạc. Đây vốn không phải điều đáng lo lắng, bởi thực chất trên thị trường vẫn còn một số nghệ sĩ gạo cội như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng hay các nghệ sĩ trẻ nhưng có thâm niên trong nghề, họ đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
Điển hình là giai đoạn 2019, được các chuyên gia đánh giá là có những chuyển biến tích cực đối với thị trường âm nhạc Việt Nam. Nhiều ca sĩ trẻ có những bài “hit” với nội dung khai thác giá trị văn hóa truyền thống và tạo nên những cú hích đáng kể như: Hoàng Thuỳ Linh, Bích Phương. Hay những bài hát được đầu tư không hề kém cạnh với bất cứ nghệ sĩ nào trên thế giới từ nội dung cho đến hình ảnh, cho thấy được sự chuyên nghiệp và cái tâm với nghề.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi thị trường âm nhạc thời gian đó đã có màn “thay máu” khi các tên tuổi cựu trào tạm thời vắng bóng nhường cho những cái tên mới lạ. Không chỉ các chuyên gia nghiên cứu âm nhạc mà khán giả cũng phải công nhận rằng những nghệ sĩ trẻ hiện nay có đủ điều kiện và thuận lợi khi được hỗ trợ nhờ sự nhạy bén của một ekip tốt.
Cho đến tận bây giờ, trên thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn nhìn nhận rõ được chỗ đứng của các tài năng trẻ. Họ không những mang lại những sản phẩm âm nhạc sáng tạo, đa dạng, chất lượng cho khán giả Việt mà còn góp phần mang âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới khi hợp tác cùng những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu. Điều đó chứng minh rằng âm nhạc nước ta đang ngày càng phát triển và mong rằng sẽ sớm có chỗ đứng riêng trên thị trường nhạc số.
Và như thế, những thành tích, sự cố gắng của một thế hệ nghệ sĩ trẻ đã cho ta thấy được lỗi không phải ở họ. Người đáng trách ở đây có lẽ chính là ở những người tự xưng cho mình cái danh “ca sĩ”. “Ca sĩ” không phải là danh xưng có được dễ dàng, bên cạnh việc có tài năng thì cần phải có sự luyện tập, đam mê với nghề mới có thể làm được. Phải chăng những “ca sĩ” tự xưng hiện nay nghĩ rằng chỉ cần có sự đầu tư hình ảnh, một vài câu “hot trend” chắp vá lại với nhau là thành ra một bài hát. Rõ ràng cái khán giả không muốn thưởng thức những cái đó, họ muốn một sản phẩm âm nhạc nghiêm túc và có đầu tư cả chất xám và chất lượng!
Có thể thấy rằng, âm nhạc Việt Nam đang ngày càng thay đổi theo dòng chảy của xu thế. Dẫu biết rằng âm nhạc giờ đây thường được đánh giá sự thành công hay không là phụ thuộc vào khán giả. Nhưng không phải vì thế mà quên đi những tiêu chí của âm nhạc đó là tính nghệ thuật. Thị trường âm nhạc nước ta không cần nhưng “ca sĩ” tự xưng, những bài hát thảm họa. Cái chúng ta cần là ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng, có sức lan tỏa lớn, khơi dậy sự hứng khởi âm nhạc trong cộng đồng.