Tham nhũng vẫn gây thiệt hại lớn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, mặc dù công tác PCTN năm 2013 đã đạt được kết quả tích cực, một số lĩnh vực (như thuế, hải quan, truyền thông, dịch vụ đăng ký và cấp phép) qua khảo sát tình hình tham nhũng đã có xu hướng giảm so với kết quả khảo sát trước đó, nhưng tình hình tham nhũng nói chung chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực.
Cơ bản tán thành những nguyên nhân được Chính phủ thừa nhận, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng từ việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ. Vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.
“Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích vẫn còn nặng nề nên không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý” – ông Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm, thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng
Theo những kiến nghị của Chính phủ và đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành, để PCTN trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ, xử lý công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát. Đặc biệt, phải khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác PCTN bằng cách tăng cường hiệu quả của các cơ chế khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng...
* Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.HCM):
“Mơn man bên ngoài thì chỉ phòng chống tham nhũng vặt thôi”
“Để chống tham nhũng hiệu quả, cần tăng cường công tác kiểm toán, các cơ quan điều tra phải tập trung khám phá, tăng kiến nghị thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tăng tỉ lệ khởi tố điều tra các vụ án lớn, phức tạp. Phải có chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách, chứ cứ “mơn man bên ngoài” như hiện nay thì chỉ đi PCTN “vặt” thôi, còn những vụ án trọng điểm thì vẫn gây bức xúc mà thôi.
Đặc biệt, trong năm 2014, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phải xử lý được dứt điểm tất cả các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ tham nhũng mà đã khởi tố điều tra trên 3 năm nay rồi. Hai nữa là cương quyết rà soát, phải phục hồi lại, xem xét xử lý hình sự tất cả các trường hợp vụ án lớn, nghiêm trọng bị đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính”.
* Ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội):
“Biện pháp kê khai tài sản vẫn còn hình thức”
“Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng tham nhũng hiện nay chính là việc thực thi pháp luật không nghiêm, thiếu quyết liệt; thứ hai là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Bộ, ngành và các địa phương trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng chưa làm hết trách nhiệm. Bên cạnh đó, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, biện pháp kê khai tài sản vẫn còn hình thức vì kê khai mà không công khai, minh bạch, chỉ để trong hồ sơ của một số người có trách nhiệm, không công khai để cho cử tri, nhân dân ở nơi cư trú, nơi công tác người phải kê khai biết. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa thực sự đạt hiệu quả”.