Tham nhũng được kiềm chế nhưng phát sinh một số tội phạm tham nhũng về chống dịch

(PLVN) - Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 tại Quốc hội chiều nay (23/10), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
Tang vật trong đường dây làm thẻ luồng xanh, trục lợi tiền tỷ bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai triệt phá tháng 9/2021. Ảnh: CAND
Tang vật trong đường dây làm thẻ luồng xanh, trục lợi tiền tỷ bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai triệt phá tháng 9/2021. Ảnh: CAND

Uỷ ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021: “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục ...

Báo cáo thẩm tra cho biết, Chính sách của Nhà nước là tiêm vaccine miễn phí cho người dân, tuy nhiên qua phản ánh trên phương tiện truyền thông cho thấy còn có hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước… Tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR Code để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương.

Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vẫn còn.

Đánh giá của Ủy ban Tư pháp cho thấy, năm 2021, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý kỷ luật đối với nhiều Đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước; đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý. Các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án ; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang …

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục phát huy vai trò trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn.

Ủy ban Tư pháp nêu tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ; vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, năm 2021 đã tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra, phát hiện 283 vụ việc và 388 người vi phạm (giảm 28,2% về số vụ); xử lý hành chính 188 người. Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 6.890 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện, xử lý 178 trường hợp vi phạm...

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp chỉ ra, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp.Công tác xét xử tội phạm tham nhũng cơ bản kịp thời, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh… Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ủy ban Tư pháp đánh giá, việc xử lý vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chủ yếu là xử lý hành chính, kỷ luật. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo vẫn còn, một số doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra nhiều cuộc trong năm; còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng việc thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp… Việc tiếp công dân ở một số đơn vị, địa phương chưa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, theo Báo cáo thẩm tra, năm 2021 có 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 16 người, xử lý kỷ luật 35 người (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2021 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 13 công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội; phát hiện 13 vụ/19 đối tượng có hành vi tham nhũng; 05 đối tượng đã bị xử lý hình sự.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm