Trong bộn bề những vấn đề kinh tế - xã hội được Quốc hội đưa ra phân tích, thảo luận trong báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ hôm qua (1/4), đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều trăn trở khi “đất nước chúng ta đang có ngoại xâm và nội xâm” như đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM) cảnh báo.
Cán bộ cũng tìm cách cho con, cháu định cư ở nước ngoài
Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) thấy vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, thể hiện sự lo lắng bất bình đó là việc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam bị xâm phạm chủ quyền; ngư dân bị hành hung, cướp tài sản, ngư cụ...
Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị: “Đảng, Nhà nước cần có các giải pháp kiên quyết đồng bộ và hiệu quả hơn nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ ngư dân và mong muốn Quốc hội có những tuyên bố rõ ràng về biển Đông”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đau đáu nỗi lo trước dự báo diễn biến trên biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn, trong khi đó, “đất nước chúng ta đang có ngoại xâm và nội xâm, nghĩa là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Vậy thì chúng ta phải làm gì?”.
Nhất trí với quan điểm phát triển nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đó là “phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất”, đại biểu nhấn mạnh muốn làm được thì “phải làm cho đất nước là nơi đáng sống”.
Hiện nay, “không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài, không phải vì nghèo, vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không bảo đảm đầy đủ và lo sợ ở đất nước bị lệ thuộc, điều này ai cũng thấy, cũng biết” - đại biểu Nghĩa chỉ ra.
Cùng với đó, đại biểu Nghĩa cho rằng: “Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải có tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, có văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”.
Nhắc lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, có điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp với tình hình hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm qua, cũng nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.
Tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức
Đó là một trong những việc mà đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng cần làm để góp phần giảm bớt lãng phí, tham nhũng, thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ. Có nghĩa là: “Hãy coi việc phòng, chống tham nhũng lãng phí là giặc nội xâm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng lãng phí như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc” - đại biểu nhấn mạnh.
Trước những nguy hại của giặc nội xâm là nạn tham nhũng, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị: “Trong đánh giá phải coi các giải pháp cho 5 năm tới cần đặt ra vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí lên vị trí hàng đầu trên cơ sở nhận thức tham nhũng, lãng phí là một mối nguy hiểm đến sự hưng thịnh của quốc gia”.
Theo đại biểu Hùng, trong nhiệm kỳ vừa qua, kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí chỉ dừng ở 2 chữ “chú trọng, đẩy mạnh” nên tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, quy mô rộng hơn, phạm vi mở rộng. Cùng với đó, chống lãng phí thì kết quả và giải pháp hầu như rất yếu, chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí.
Từ tình hình trên, đại biểu Hùng đề nghị Chính phủ cần đánh giá thẳng thắn về công tác phòng, chống lãng phí trong 5 năm qua và trong phương hướng phải coi phòng, chống tham nhũng lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt và cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn, thực hiện một cách quyết tâm hơn.