Viên ngọc quý về sinh thái rừng
Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam rộng 22 nghìn ha, 3 năm liền (2019-2021) được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á. Trong suốt gần 60 năm qua, kể từ khi Vườn quốc gia được thành lập, công tác bảo tồn động thực vật có những thành công lớn được quốc tế ghi nhận là khu vực bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất Đông Nam Á.
Rừng quốc gia Cúc Phương nằm giữa lòng dãy núi Tam Điệp hùng vĩ, cách Hà Nội 120km, nằm ở khu vực Đông Bắc Bộ, tiếp giáp với vùng núi Tây Bắc và thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên thu hút và hệ sinh thái đa dạng, nơi đây còn lưu lại nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, khiến cái tên Rừng quốc gia Cúc Phương ngày một hấp dẫn với khách du lịch.
|
Đa dạng các loài động vật quý hiếm đang được nuôi dưỡng và bảo tồn tại vườn quốc gia Cúc Phương. |
Nơi đây có tới 2234 loài thực vật bậc cao và rêu, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú, 336 loài chim cư trú. Trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ, đây là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thiên nhiên.
Bên cạnh hệ sinh vật thì phong cảnh thiên nhiên là điểm nhấn không thể bỏ lỡ khi đến vườn quốc gia Cúc Phương. Ngắm trọn khung cảnh Cúc Phương, Tràng An, Bái Đính, tận hưởng khung cảnh yên bình trên hồ Yên Quang, khám phá những hang động tiền sử đầy bí ẩn sẽ là trải nghiệm thú vị dành cho du khách. Đặc biệt, bản người Mường là nơi bạn có dịp tìm hiểu về văn hóa, nếp sống của người Mường tại Cúc Phương.
Với địa hình Karts đặc trưng, rừng nguyên sinh Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị khảo cổ học, cổ sinh học và địa chất, địa mạo phong phú. Nhiều di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, có giá trị khoa học về lịch sử tộc người. Trong đó đáng chú ý nhất là Hang Con Moong, Động Người xưa...
|
Sau mùa mưa, cả ngàn cánh bướm bay rợp trời ở rừng Cúc Phương. |
Ngoài ra, hàng chục hang động khô đã được phát hiện, đang khai thác qua các tour tham quan khám phá. Qua khảo sát bước đầu, đại diện quản lý rừng cũng khẳng định, núi rừng Cúc Phương vẫn còn nhiều hang động chờ đợi các nhà khoa học, thám hiểm.
Bảo tồn và phát triển bền vững
Ngoài tham quan, nhận thấy tiềm năng, Ninh Bình đang phát triển du lịch nghỉ dưỡng với khu du lịch mới mở thu hút du khách, các tour trải nghiệm cho du khách trong nước và quốc tế tại vườn quốc gia hàng đầu châu Á này.
|
Các nhóm sinh viên khám phá rừng và tham gia các hoạt động diễn giải môi trường. |
Một khu nghỉ dưỡng với những công trình kiến trúc bằng tre đang trở thành mái nhà xanh giữa bãi đá lộ đầu trong rừng Quốc gia Cúc Phương. Đây là diện tích đất lớn không thể sử dụng canh tác nông nghiệp nhưng lại có lợi thế về du lịch được thụ hưởng từ nguồn tài nguyên, văn hóa như Vườn Quốc gia Cúc Phương, nguồn nước khoáng ngầm cộng với văn hóa bản địa của người Mường cổ, huyện Nho Quan đã quy hoạch khu vực này để thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Khu nghỉ dưỡng được ví như tác phẩm nhân tạo lấy cảm hứng từ cảnh quan đặc trưng của Ninh Bình và rừng Cúc Phương. Khu du lịch nghỉ dưỡng này có không gian vui chơi giải trí với diện tích hơn 15ha, lớn nhất tỉnh Ninh Bình với 225 căn condotel, 135 căn biệt thự, 8 căn Bungalow. Đây là công trình kiến trúc bằng tre có quy mô lớn nhất tại miền Bắc hiện nay.
Cùng với việc bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên rừng, hệ sinh thái vùng núi đá vôi, thời gian qua Ban Quản lý Vườn đã có nhiều nỗ lực trong cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác bảo tồn và phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương trong phân định ranh giới, tổ chức bảo vệ nguyên vẹn rừng tự nhiên. Nâng cao chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác bảo tồn, để có khả năng giám sát đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nói riêng.
|
Nhà hàng tre dự án Vedana Cúc Phương Resort Ninh Bình. |
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp và xây dựng Trung tâm sưu tập nguồn gen động, thực vật đang có nguy cơ bị đe dọa hoặc tuyệt chủng. Tiến hành nghiên cứu về quần thể một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, phạm vi phân bố, số lượng để đề xuất phương án bảo vệ tốt nhất.
“Bạn không để lại gì, trừ những dấu chân. Bạn không lấy gì, ngoài những bức ảnh. Bạn không giết gì ngoài thời gian. Thế là bạn đang cùng chúng tôi gìn giữ thiên nhiên Cúc Phương”. Đó là thông điệp nhưng cũng là lời nhắc nhở nhẹ nhàng và đáng yêu với những du khách tới tham quan rừng quốc gia Cúc Phương.
Vẻ đẹp thuở khai sơ là do thiên nhiên ban tặng, nhưng để giữ gìn và làm phong phú hơn, đa dạng và trường tồn những giá trị quý báu ấy phải xuất phát từ ý thức và sự đóng góp, nỗ lực của những người đang ngày ngày nghiên cứu, cống hiến trí lực cho bảo vệ rừng, cũng như ý thức của mỗi du khách tới đây để tham quan và khám phá.