“Thần đồng” lạc lối, trộm tiền gây chấn động an ninh Mỹ

(PLO) - Họ đã từng là niềm tự hào của những bà mẹ nghèo. Nhưng họ đã không vượt qua nổi lòng tham để chịu kiếp thanh bần như người mẹ già tần tảo. Để đến khi, cả mẹ, cả con phải đau như cắt từng khúc ruột lúc hội ngộ nhau ở chốn công đường.
Long và Đạt hàng trên, bên trái
Long và Đạt hàng trên, bên trái
Vụ án Vương Huy Long và các đồng phạm “hack” thẻ tín dụng để mua hàng hóa từ các trang bán hàng nổi tiếng thế giới rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ được Bộ an ninh Hoa Kỳ phát hiện ra từ năm 2010. Theo đánh giá của Bộ An ninh Hoa Kỳ, đây là một trong sáu chuyên án lớn nhất và gâu chấn động lực lượng an ninh của đất nước này.
Đứa con thần đồng tội lỗi
Vương Huy Long (SN 1986, thường trú tại huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), vốn là một thanh niên ngoan ngoãn, học giỏi. Long đã từng đoạt giải 3 Olympic quốc gia tiếng Anh khi đang học lớp 11. Mẹ Long, bà Nguyễn Thị Vẹn kể về con mình trong nước mắt: “Long thông minh từ nhỏ, 3 tuổi nó đã biết đọc, biết viết, 5 tuổi đã có thể giao tiếp với khách du lịch ngoại quốc mỗi khi họ về Củ Chi tham quan. Nó giỏi lắm, thi đâu đậu đấy, nhà tôi chất đầy bằng khen của nó, có cả bằng khen gì từ Mỹ nữa”. 
Người mẹ kể biết con có năng khiếu học ngoại ngữ nhưng gia đình cũng không thể cho con học thêm vì nghèo khó. Bố Long bỏ đi lấy vợ hai từ khi Long còn nhỏ. Một mình mẹ Long nuôi 2 đứa con ăn học bằng cửa hàng uốn tóc, gội đầu ở quê. Số tiền kiếm được chỉ đủ để nuôi 3 mẹ con sinh sống hàng ngày. 
Em trai Long cũng đã tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Bình Dương, bản thân Long đã tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM. 
Người đàn bà gầy gò khóc ngất từ cánh cổng tòa án khóc vào, tưởng như bước đi không nổi. Được vài người bạn của Long dìu lên phòng xử, vừa trông thấy con bà lại òa lên nức nở. 
Đứa con trai tội lỗi, động viên mẹ: “Sao mẹ gầy thế? Mẹ không phải khóc. Mẹ trông con vẫn mạnh khỏe thế này cơ mà, con tăng gần 20 kí đấy. Con trai mẹ vẫn đẹp trai phải không?” 
Trước những lời bông đùa của đứa con, bà Vẹn dịu lại được đôi chút nhưng những tình cảm dồn nén trong 3 năm không được nhìn thấy mặt con khiến bà vẫn thi thoảng khóc nấc lên. 
Bà tâm sự: “Nhà tôi không có một đồng tiết kiệm nào. May mà đứa em gái của tôi có chút ít nên đã tài trợ để mấy chị em ra Hà Nội được nhìn thấy con, cháu. Đi mấy ngày thế này mà mất tới hai chục triệu. Số tiền ấy tôi có thể sống 2 năm ở quê. Tôi cũng đã nói với con, mẹ chỉ ra thăm con được lần này thôi. Tòa có xử thế nào mẹ cũng không kháng án vì mẹ không có tiền. Con phải chịu khó cải tạo để được hưởng lượng khoan hồng mà về với mẹ”.
Người đàn bà chân chất lần đầu tiên được đặt chân đến thủ đô lại chỉ biết đến việc ngồi trong phòng xử án của TAND TP Hà Nội, chứng kiến đứa con trai thông minh của mình chịu xét xử trước vành móng ngựa. Nhưng nhìn con, được gặp lại nụ cười của con, mọi đau khổ và nhớ nhung mà bà đã chịu đựng suốt 3 năm qua gần như tan biến. 
Bà nói như hân hoan: “Gặp được con lần này còn hơn trúng số độc đắc. Tôi thấy nó chững chạc, trưởng thành hơn. Ăn nói chín chắn hơn. Nó hứa với tôi sẽ cải tạo tốt, sẽ trở thành người có ích sau lần bước chân lầm lỡ này. Tôi buồn vì nó phải ở trong tù nhưng mừng vì con trưởng thành hơn. 
Nó cũng kể với tôi, nó ở trong ấy gặp nhiều người tốt bụng, người ta động viên, giảng giải cho nó nhiều điều lắm. Đấy cũng là một điều may cho con trai tôi. 
Nó nói với tôi, mẹ phải sống khỏe thì con mới có động lực để cải tạo tốt. Mẹ yếu, mẹ mất đi, con được ra tù sớm cũng đâu có ý nghĩa gì… nghĩ đến những lời con nói mà buốt ruột, buốt gan. Giá mà nó nhận thức được sớm sai lầm của mình thì giờ mẹ con đâu có cách trở xa xôi thế này. Nhưng cũng may, con đã nhận ra sai lầm của mình rồi” – người mẹ vừa kể chuyện, vừa như tự động viên mình. 
Bi kịch của cái nghèo
Lê Đạt (quê ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) cũng là một bị cáo học giỏi, thông minh và có hoàn cảnh éo le như Vương Huy Long. Khi bị bắt, Đạt đang là sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Trước đấy Đạt đã thi đỗ vào Đại học Hàng hải nhưng học được gần một năm, vì sợ phải đi biển nên bỏ học, quyết tâm ôn luyện để thi vào Bách khoa. Bố Đạt bỏ nhà đi với vợ hai từ khi Đạt còn nhỏ và không một lời hỏi thăm đến hai đứa con ruột của mình. Bà Ngô Kim Phúc, mẹ Đạt một mình chợ búa, bán hàng nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành. Cuộc sống của ba mẹ con cũng tạm ổn, hai anh em Đạt được mẹ chu cấp tiền trường đầy đủ cho tới khi chợ chuyển đi, bà mất chỗ buôn bán. 
Dù đã cố giữ bình tĩnh sau khi được ngồi chuyện trò bên con, được sờ nắn cánh tay của con, người mẹ nghèo vẫn không ngừng rơi nước mắt trong suốt phiên xử. Bà bảo, lỗi cũng tại bà hết. Chỉ vì bà mất chỗ bán hàng mà con trai bà bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền mưu sinh mới nên cơ sự này. 
Bà Phúc kể, từ ngày chuyển chỗ buôn bán, bà mất dần khách và “cụt” vốn lúc nào không hay. Trước đấy, mỗi khi Đạt về thăm nhà bà lại vun vén tiền bạc để con mang đi, để con không mặc cảm với chúng bạn. Nhưng từ khi hết vốn làm ăn, bà chuyển sang nghề trông trẻ con, mỗi tháng chỉ được 2 triệu, chi tiêu cho 3 mẹ con. Đạt sống ở Sài Gòn nên chi phí đắt đỏ hơn, dù cố tằn tiện để cho con ăn học nhưng chỉ được thêm vài tháng thì bà không còn cách để xoay xở. Bà buộc lòng phải báo cho con biết bà đã không còn đủ khả năng kiếm tiền cho Đạt ăn học và Đạt đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Đạt không đồng ý và quả quyết “con sẽ tìm cách kiếm tiền ăn học tiếp”. 
Bà Phúc đã gặng hỏi con nhiều lần về những khoản tiền con kiếm được nhưng Đạt vẫn “nói cứng”: “Mẹ yên tâm, việc con làm con biết, mẹ không phải lo”. Nghĩ rằng con mình ngoan ngoãn từ nhỏ nên bà Phúc cũng không suy nghĩ nhiều… Bà ân hận “Cũng tại tôi mà con trai tôi ra nông nỗi này. Giá mà tôi không nói với con chuyện gia đình đã hết tiền, giá mà tôi cố gắng xoay xở, làm thêm gì đấy, kiếm đủ tiền cho con ăn học thì con đâu có rơi vào vòng xoáy kiếm tiền phạm pháp như thế này”. 
Bà Phúc bảo, nhận được giấy của Tòa án báo ngày xử, bà đang tính đến chuyện đi vay lãi ngày để ra thăm con, để được nhìn thấy mặt đứa con sau 3 năm bị tam giam thì được một người bạn của Đạt gọi điện báo tin sẽ mua vé máy bay cho bà ra Hà Nội. 
“Tôi không biết người bạn đấy của Đạt. Sau vài cuộc điện thoại ở sân bay hai cô cháu mới tìm thấy nhau. Thực sự cũng vui, trong hoạn nạn như thế này mà Đạt vẫn còn có người giúp đỡ, tôi mừng vì con có một người bạn tốt” - bà nói. 
Không chỉ được bạn của Đạt chủ động gọi giúp đỡ, hỏi thăm, động viên, bà Phúc còn được mẹ của một bị cáo khác trong vụ án cho ở nhờ trong 4 ngày lưu tại Hà Nội, dự phiên xử của con. Khi các con vướng vào vòng lao lý, những bậc phụ huynh đã không trách móc nhau đứa này lôi kéo đứa kia mà giúp đỡ, bao bọc nhau trong những ngày tháng khó khăn… 
Mỗi lần chia tay để các bị cáo về trại giam là những thời khắc đong đầy nước mắt. Các bà mẹ chỉ biết dặn dò “các con ngủ ngon”. Còn những đứa con đã từng là niềm tự hào của họ lại tỏ ra bình tĩnh: “Mẹ đừng khóc nữa, khóc nữa là con buồn và nghĩ ngợi nhiều lắm. Bọn con ở trong này chỉ sống bằng niềm tin thôi. Các mẹ phải bình tâm, bình tĩnh để tụi con yên lòng. Bọn con đi rồi sẽ có ngày về mà, chỉ là chúng con đi lệch đường thôi, sẽ nắn chỉnh được và làm lại từ đầu”. 
Theo đánh giá của Bộ An ninh Hoa Kỳ, đây là một trong sáu chuyên án lớn nhất của đất nước này. Sau hơn 3 năm cùng phối hợp điều tra với cơ quan điều tra Việt Nam, vụ án mới hoàn tất và đưa ra xét xử.
Vừa qua, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt các bị cáo từ 3-14 năm tù giam. Các bị cáo đa phần đều là những thanh niên thông minh, gương mặt sáng và có một tương lai rộng mở, nếu họ không bước lệch đường./.

Đọc thêm