Thận trọng khi vay tiêu dùng trả góp!

(PLO) - Tâm lý của người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc được vay nên thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp và được cung cấp các hợp đồng đã ký kết thì người vay mới nhận thức được các yếu tố ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Khi đó, rất khó có thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng vì hợp đồng đã được ký kết, hiệu lực thi hành đã được áp dụng.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phát đi nhiều cảnh báo đến người tiêu dùng (NTD) lưu ý khi tham gia các hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, số vụ việc NTD khiếu nại trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao, số lượng công ty tài chính bị khiếu nại cũng đang có xu hướng mở rộng. 
Nhằm cảnh báo NTD trước khi thực hiện các hợp đồng tín dụng tiêu dùng, tránh các phát sinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi tài chính của NTD và người thân của NTD trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ thực tiễn các tranh chấp xảy ra trong quá trình giao dịch tín dụng tiêu dùng vừa qua, Cục này vừa đưa ra những lưu ý liên quan đến vấn đề này.
Có nhất thiết phải vay tiêu dùng trả góp hay không?
Đây là câu hỏi mà NTD cần phải  nghĩ tới khi có ý định tham gia vay tiêu dùng trả góp. Khi đó, NTD cần đảm bảo tính ổn định của thu nhập, ít nhất trong toàn bộ thời hạn của khoản vay. Sau khi quyết định vay tiêu dùng, NTD nên cân nhắc, tham khảo thông tin từ nhiều nguồn để lựa chọn đơn vị cho vay tiêu dùng, ví dụ chọn ngân hàng hay công ty tài chính. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý, chỉ khi thật sự cần thiết thì mới vay tiêu dùng vì lãi suất của các khoản vay tiêu dùng là rất cao.
Theo quy định pháp luật, hiện nay dịch vụ cho vay tiêu dùng thuộc Danh mục dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, khi lựa chọn bất kỳ đơn vị nào cung cấp dịch vụ, NTD có quyền yêu cầu công ty thông báo về việc đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền hay chưa? 
Trước khi ký hợp đồng, cần quan tâm vấn đề gì?
Trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiền, trách nhiệm của NTD phải làm rõ những nội dung trong hợp đồng nhằm đảm bảo đã hiểu rõ hợp đồng, tránh các trường hợp nhầm lẫn, bị tư vấn thông tin chưa đầy đủ, chính xác. Một khi NTD đã ký hợp đồng thì các điều khoản, điều kiện quy định tại hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc trách nhiệm của NTD.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, một số điều khoản, điều kiện cần đặc biệt lưu ý trước khi ký kết hợp đồng:
Thứ nhất, về lãi suất vay. Trong quá trình tư vấn, NTD có thể được cung cấp thông tin với mức lãi suất rẻ, hợp lý. Nhiều NTD sau khi ký hợp đồng một thời gian mới phát hiện mức lãi suất thực tế trên hợp đồng rất cao. Vì vậy, NTD phải đề nghị nhân viên ghi rõ mức lãi suất trên hợp đồng trước khi ký.
Thứ hai, liên quan đến các khoản phí. Ngoài mức lãi suất phải trả hàng tháng, một số hợp đồng có thể phát sinh các khoản phí, chi phí khác. Các khoản phí này có thể được tính gộp vào khoản tiền phải trả hàng tháng của NTD. Và NTD phải được bên cho vay thông tin về các khoản phí này. 
Thứ ba, về lãi phạt. Mức phạt trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng thường rất cao và rất chặt chẽ. Để hiểu rõ các hành vi có thể dẫn tới mức phạt, người tiêu dùng đề nghị nhân viên chỉ rõ nội dung quy định về lãi phạt, cách thức tính lãi phạt, hình thức thông báo cho người tiêu dùng khi bị phạt. NTD cũng cần phải được thông tin cụ thể về thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ. 
Có nhiều NTD sau khi thực hiện hợp đồng một thời gian thì có nhu cầu thanh lý sớm hoặc khi phát hiện sai phạm của công ty nên muốn hủy hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp khá rắc rối khi thực hiện công đoạn này. Quy định về thanh lý hợp đồng là một trong những căn cứ quan trọng để NTD quyết định ký hợp đồng vay tiền đối với các công ty.
Ký hợp đồng xong, phải được giữ một bản
Sau khi ký hợp đồng, NTD cần kiểm tra một lần nữa các nội dung của hợp đồng. Nếu có gì sai khác, thông báo ngay cho công ty và thực hiện quyền hủy hợp đồng (nếu cần thiết). NTD có trách nhiệm yêu cầu và lưu giữ hợp đồng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, cần tóm tắt và lưu giữ một số thông tin cơ bản như số tiền trả nợ hàng tháng, phương thức trả nợ và thời hạn trả nợ để có thể theo dõi và thực hiện đúng định kỳ;  lưu giữ tất cả các hóa đơn, tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán nợ. Khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại tại Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hoặc liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng miễn phí thuộc Cục Quản lý cạnh tranh (1800.6838) để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết khiếu nại./.

Đọc thêm