Giá rẻ nhưng chất lượng cao, khả thi không?
Hiện tượng tour du lịch giá rẻ, tour du lịch “0 đồng”, thậm chí cả tour “âm đồng”, đã xuất hiện từ trước dịch, đặc biệt “nở rộ” vào năm 2019 khi Việt Nam đón số khách quốc tế nhiều nhất so với mọi năm là 18 triệu lượt. Tuy nhiên, các tour giá rẻ này cũng khiến giới chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng lo ngại về việc làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời khiến ngành Du lịch nước nhà khó tiếp cận được với những dòng khách hạng sang hơn.
Cụ thể, các tour “0 đồng” về bản chất là đơn vị tổ chức sẽ giảm các chi phí trải nghiệm của khách, tăng thời gian mua sắm nhiều hơn. Mặc dù tour giá rẻ vẫn có thể đáp ứng một bộ phận du khách, kích thích nhu cầu mua bán hàng hoá nhưng hạn chế rõ thấy là tính không bền vững, hạ thấp chất lượng dịch vụ điểm đến bởi du khách hầu như không được trải nghiệm nhiều với bản sắc văn hóa độc đáo bản địa, khiến du khách “một đi không trở lại”. Chưa kể, nhiều tour “0 đồng”, tour giá rẻ còn tiềm ẩn những nguy cơ lừa đảo trá hình, khiến du khách vừa không được trải nghiệm vừa ấn tượng xấu về du lịch Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy, một số địa phương ở Việt Nam khi lựa chọn chiến lược thu hút khách bằng phần lớn các tour du lịch giá rẻ, chất lượng thấp đã phần nào tạo ra ấn tượng về một môi trường du lịch “xô bồ”, khiến họ gặp bất lợi trong việc thu hút những dòng khách cao cấp hơn đối với cả khách nội địa và quốc tế.
Trả lời báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá tour giá rẻ ở những thời điểm nhất định có tác động lớn để kích cầu du lịch, đặc biệt trong những năm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, ông cho rằng “du lịch giá rẻ nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, du khách được trải nghiệm trọn vẹn sản phẩm. Thời điểm này, ngành Du lịch không khuyến khích du lịch giá rẻ mà luôn vận động các đơn vị nâng cấp chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ cho du khách. Những loại hình du lịch giá rẻ nhưng chất lượng thấp cần phải được kiểm soát chặt chẽ”.
Đáng nói, khi lượt khách quốc tế đến thăm Việt Nam vẫn còn tương đối hạn chế so với các quốc gia trong khu vực, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm nay. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải có giải pháp khai thác phù hợp, hiệu quả, ổn định với các dịch vụ du lịch giá rẻ, tránh để ảnh hưởng đến các dịch vụ khác. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hoá sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá để đón nhiều khách quốc tế hơn, khuyến khích họ chi tiêu và trải nghiệm nhiều hơn tại Việt Nam. Theo đó, giá cả dịch vụ cần đi đôi với chất lượng.
Cần sự điều phối từ các cơ quan quản lý
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý du lịch và chính quyền địa phương cần có những chính sách quản lý các loại hình dịch vụ giá rẻ nhằm bảo đảm được môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, cạnh tranh công bằng. Bên cạnh đó, nếu ngành Du lịch chỉ gắn liền với thương hiệu “giá rẻ” thì sẽ rất khó để phát triển mạnh mẽ một số loại hình du lịch có nhiều tiềm năng như du lịch golf, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch văn hoá,…
Theo các chuyên gia, một trong những biện pháp nên cân nhắc là quản lý giám sát thật nghiêm ngặt đối với các điểm mua sắm sẽ góp phần giảm thiểu được các tour giá rẻ và vấn nạn kèm theo, ngăn ngừa việc các điểm mua sắm câu kết với các công ty, doanh nghiệp nước ngoài tổ chức tour giá rẻ nhằm bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đẩy giá quá cao cho du khách để trục lợi. Nếu được quản lý tốt, các điểm mua sắm có thể trở thành những nguồn thu ngoại tệ rất lơn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ.
Đồng thời, dư luận cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm, tạo tính răn đe xã hội; công khai số điện thoại đường dây nóng ở nhiều nơi nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu nại. Hằng năm, việc đưa ra những cảnh báo, đánh giá về các cơ sở mua sắm thông qua các khiếu nại, phản hồi của du khách có thể sẽ là một nguồn tham chiếu quan trọng để kiểm soát khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến.
Thiết nghĩ, thời điểm này, du lịch Việt Nam đang nỗ lực để thu hút khách quốc tế và chất lượng dịch vụ, giá cả sẽ là điều kiện để cạnh tranh với các quốc gia. Mặc dù tâm lý của phần lớn du khách vẫn là thích đi du lịch với giá phải chăng, nhiều ưu đãi nhưng nếu không đảm bảo đầy đủ trải nghiệm thì nhiều khả năng họ sẽ “một đi không trở lại”.