Trước thông tin về việc điều chỉnh viện phí này, nhiều người dân cảm thấy lo lắng. Vì cho dù được BHYT đồng chi trả, nhưng số tiền thanh toán dịch vụ y tế sẽ vẫn cao hơn trước đây. Người dân cũng không khỏi băn khoăn, liệu rằng việc tăng giá viện phí này có kèm theo tăng chất lượng các dịch vụ y tế?
Sẽ có thêm 5 đợt điều chỉnh viện phí
Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã có một đợt điều chỉnh viện phí vào tháng 3/2016. Cụ thể, từ ngày 1/3, tất cả 1.400 bệnh viện (BV) trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh, riêng các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn như BV Bạch Mai, Việt Đức, Tai Mũi Họng trung ương, Chợ Rẫy, BV Mắt trung ương, BV Răng – Hàm – Mặt TP HCM, BV Nội tiết và Phụ sản trung ương đã thu viện phí bao gồm cả lương thầy thuốc.
Sau khi tăng viện phí vào tháng 3, dự kiến đến 1/7 sẽ tiếp tục có thêm một đợt tăng giá viện phí nữa. Tuy nhiên, mốc thời gian dự định tăng viện phí này đã thêm một tháng là tăng vào tháng 8. Đợt tăng giá viện phí này khác với lộ trình trước là không tăng trên diện rộng, trước mắt sẽ áp dụng ở 10 tỉnh thành có số người dân tham gia BHYT cao từ 90 – 95%. Và đợt điều chỉnh viện phí vào tháng 8 này sẽ bao gồm các loại phụ cấp, lương thầy thuốc áp dụng mở rộng tại 10 địa phương.
Ngoài đợt điều chỉnh viện phí vào tháng 8, sau đó sẽ có thêm nhiều đợt điều chỉnh viện phí nữa kéo dài đến cuối năm. Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều đợt điều chỉnh viện phí. Mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 – 12 tỉnh, thành phố.
Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8/2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Tiếp đến, đợt 2 được thực hiện vào tháng 10/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT 85% dân số. Đợt 4 thực hiện vào tháng 12/2016 ở các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 80%. Các cơ sở khám chữa bệnh ở trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí có cùng thời điểm với địa phương. Đến đầu tháng 1/2017 sẽ áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế với các tỉnh còn lại.
Ông Nam Liên cũng cho biết thêm, việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương nên các bệnh viện tuyệt đối không được thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá, trừ chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá, phần đông chi trả theo quy định của người có thẻ BHYT, hoặc phần chênh lệch giữa thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đồng thời phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh ngoại, nội trú, tăng giường bệnh…
Chất lượng y tế có tăng xứng tầm?
Có thể thấy việc tăng viện phí dù được BHYT đồng chi trả nhưng người dân vẫn phải trả số tiền cho các dịch vụ y tế cao hơn trước đây. Và để có số tiền trả thêm đó, những bệnh nhân có thu nhập thấp sẽ lại phải oằn mình xoay sở.
Bà Nguyễn Thị Vinh (50 tuổi, Thanh Hóa) cho biết: “Tôi chỉ ở nhà làm ruộng và nuôi vài con gà, con vịt, thi thoảng người ta thuê gì làm đó theo thời vụ nên thu nhập hàng tháng không được bao nhiêu. Vì thế mà mỗi lần đau ốm phải đi viện, tôi vẫn rất lo lắng dù đã có BHYT đồng chi trả 80%. Sắp tới lại có thêm đợt tăng giá viện phí nữa thì thực sự không biết phải xoay sở thế nào”.
Cùng với bà Vinh, nhiều người dân khác cũng hết sức lo lắng trước thông tin sẽ tăng viện phí từ tháng 8. Những người chưa tham gia BHYT sẽ phải nghĩ đến ý định tham gia BHYT để đỡ gánh nặng viện phí. “Viện phí tăng nhưng theo tôi thấy bệnh viện vẫn hai người một giường, thuốc chữa bệnh đôi khi vẫn thiếu bệnh nhân phải mua ngoài, thời gian khám bệnh còn phải chờ lâu, nhất là các khoa xét nghiệm” - anh Hoàng Ngọc Thanh chia sẻ.
Thực tế cho thấy trong đợt tăng giá viện phí 30% từ 1/3 năm nay không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế của người dân. Thậm chí, với những người tham gia BHYT, việc tăng viện phí mang lại cho người bệnh nhiều quyền lợi hơn như được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại, tiên tiến hơn. Thế nhưng, việc tăng giá viện phí nhiều lần khiến người bệnh phải trả thêm tiền viện phí cao hơn nhiều so với trước nên khiến không ít người băn khoăn. Hơn nữa, liệu chất lượng y tế có tăng xứng tầm với tăng viện phí khi mà tình trạng nằm ghép, chờ đợi lâu khi khám chữa bệnh vẫn còn.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở hạ tầng tại một số bệnh viện xuống cấp như tình trạng sập trần bệnh viện tại Bệnh viện (BV) Nhi trung ương và Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, tình trạng người bệnh phải nằm điều trị ở các phòng bị mốc xanh ở BV Bạch Mai. Ngoài ra, tình trạng cò BV, nhận phong bì ở BV K vẫn còn. Tình trạng cán bộ y tế nói chuyện điện thoại dài, chơi game trong giờ làm việc để bệnh nhân chờ đợi lâu ở BV Bạch Mai. Tình trạng tắc trách mổ nhầm tay một cháu bé ở Nghệ An của BV Đa khoa 115 Nghệ An, quên gạc dẫn lưu trong chân bệnh nhân ở BV Đa khoa Hà Đông…
Từ tháng 3 đến nay Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ sau khi tăng viện phí. Cơ bản đánh giá một số BV chất lượng có cải thiện, nhưng cũng có nhiều vụ việc được phát hiện thể hiện chất lượng dịch vụ còn thấp.