Với những nỗ lực của địa phương, Thanh Ba từ một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa phát triển, thu nhập của người dân thấp, hiện ngày càng phát triển.
Sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia chè đinh cao cấp Hoài Trung. |
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự hỗ trợ của Trung ương, của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Thanh Ba đã có diện mạo khang trang, đời sống nhân dân ngày càng khá giả.
Cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa… được huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Tổng số vốn huy động để xây dựng nông thôn mới trong 12 năm đạt 10.267,05 tỷ; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,9 lần so với năm 2011, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; diện mạo của quê hương nông thôn mới ngày càng khang trang, tươi đẹp.
Mô hình dự án chè xanh Dốc đen Đông Lĩnh. |
Thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người 15,7 triệu đồng/người/ năm, giai đoạn 2016-2020 thu nhập bình quân đầu người là 38 triệu đồng/người/năm, đến năm 2022 thu nhập bình quân đầu người là 45,19 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 2/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao xã Đồng Xuân, xã Thanh Hà, 1 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí.
Trên địa bàn huyện có 22 sản phẩm được UBND tỉnh Phú Thọ và Trung ương công nhận OCOP từ hạng 3 sao đến hạng 5 sao. Có 3 làng nghề được UBND tỉnh ký Quyết định công nhận làng nghề: Làng nghề đan lát truyền thống thôn Yển Khê, xã Hanh Cù; làng nghề mây tre đan xã Đỗ Xuyên và làng chè Dốc đen, xã Đông Lĩnh.
Huyện đặt ra mục tiêu giai đoạn từ 2023 - 2025, mỗi năm có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế đến hết năm 2025 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thanh Ba phấn đấu xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao; môi trường cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; nông thôn văn minh giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới thông minh; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thị trấn Thanh Ba ngày càng phát triển. |
Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Ba chia sẻ: “Huyện đã có kế hoạch xây dựng NTM cụ thể cho từng năm và cả nhiệm kỳ 5 năm. Trong suốt quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy các xã trên địa bàn huyện luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là cần phát huy vai trò đi đầu và nòng cốt của đảng viên, phát huy tinh thần đảng viên nêu gương trong việc khó. Từ đó, đã khơi dậy được sức mạnh của dân, làm cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận để chương trình đi vào thực chất. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển các sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Toàn huyện có 22 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đặc trưng, độc đáo và quý hiếm của địa phương đó là chè búp tím đã đạt 5 sao”.
Từ một huyện khó khăn, đến nay huyện Thanh Ba đã phát triển thành một huyện có kinh tế phát triển, giàu bản sắc; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thanh Ba đang đổi thay từng ngày, tạo nên sức sống mới, diện mạo mới và là một huyện phát triển.
* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương