Thanh Hóa: Côn đồ chém người, vì sao được “ưu ái” xử lý sau?

(PLO) - TAND huyện Hà Trung (Thanh Hóa) vừa mở phiên tòa xét xử đối với 8 bị cáo về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Đáng nói ở chỗ, trong vụ việc này, có hai người bị đâm, chém với tỷ lệ thương tích lần lượt là 15% và 3% nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng ở đây lại chung quan điểm rằng, vụ việc được “khởi tố và điều tra ở một vụ án khác”.
Ông Trần Văn Xuân tại nơi đã bị các đối tượng đâm vào cằm, gây thương tích 15%

Việc “treo lại” một phần vụ án như trên đang bị cho là bỏ lọt tội phạm và sai tố tụng.

Nhóm côn đồ “áp đáo tại gia”

Theo Bản án sơ thẩm, chiều 18/5/2017,  Phạm Văn Chung (SN 1983, ở xã Hà Ninh, Hà Trung) chuẩn bị một loạt hung khí như tuýp sắt, dao, gậy gỗ lim… bỏ vào một bao tải rồi gọi thêm 5 đối tượng khác kéo đến nhà cháu Trần Thị Phương (thôn 5, xã Hà Phú) để “giải quyết mâu thuẫn”. Đến trước cửa nhà ông Trần Văn Khởi (SN 1959, ông nội cháu Phương), cả bọn dừng xe. Chung lấy bao tải hung khí ra và dặn “cẩn thận bị đánh, nếu nó đánh thì mình đánh luôn”.

Biết tin, anh Trần Văn Minh (bố cháu Phương) gọi điện cho em họ là Đỗ Văn Đức (SN 1983) nhờ đến giải quyết. Đức cầm theo một khẩu súng cồn tự chế rồi rủ thêm Nguyễn Ngọc Kiên và Mai Doãn Minh đi cùng.

Đến nơi, Đức nói chuyện với Chung thì hai bên thách thức và lao vào đánh nhau. Nhóm của Chung lấy hung khí đánh nhau với Đức. Thấy vậy, ông Trần Văn Khởi, Trần Văn Khang (SN 1981, chú Phương), Mai Doãn Minh lấy gạch, đá ném vào nhóm Chung.

Lúc này, ông Trần Văn Xuân (SN 1969, em ông Khởi) cũng chạy đến thì bị nhóm người của Chung đánh vào đầu, cằm… Sau một hồi hỗn chiến, nhóm của Chung rút dần ra khỏi ngõ nhà ông Khởi, còn ông Xuân máu chảy nhiều, bị ngất đi nên được người nhà đưa đi cấp cứu (vết đâm chém ở cằm và một số vị trí khác).

Trên đường đi bộ ra khỏi thôn 5, nhóm của Chung vẫn cầm hung khí đe dọa người đi đường với thái động hung hăng, làm cho quần chúng nhân dân và người đi đường lo sợ. Có người dừng xe để nghe điện thoại cũng bị nhóm Chung đe dọa. Khi nhóm Chung bỏ đi thì người dân xung quanh mới dám đi lại tiếp… 

Kết quả giám định thể hiện ông Xuân bị thương tích tổn hại 15% sức khỏe; Chung bị tổn hại 0,2% sức khỏe; một đối tượng trong nhóm của Chung bị tổn hại 3% sức khỏe.

Thương tích của một số người như trên nhưng đến nay các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hà Trung mới chỉ xử lý 8 đối tượng (trong đó có 6 đối tượng nhóm của Chung) về hành vi “gây rối trật tự công cộng”, còn hành vi cố ý gây thương tích thì được cho là “khởi tố và điều tra ở một vụ án khác”.

“Treo” một phần vụ án có vi phạm tố tụng?

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Xuân bức xúc cho biết, tôi bị các đối tượng dùng dao đâm trúng cằm và chém vào đầu, tay nhưng không hiểu sao thủ phạm vẫn chưa bị xử lý. Điều tra viên đã cho tôi đi giám định và nhiều lần lấy lời khai của tôi nhưng tôi không hề được thông báo về kết quả điều tra vụ án. Khi được triệu tập đến phiên tòa ngày 30/10 vừa qua, tôi mới biết mình chỉ là nhân chứng chứ không phải bị hại trong vụ án. Các đối tượng kéo đến “áp đáo tại gia” cũng chỉ bị xử lý về tội “Gây rối trật tự công cộng” với mức án khá nhẹ, chứ không phải về tội “Cố ý gây thương tích”. Đến nay, tôi cũng không được biết là CQĐT đã khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” hay chưa? Nếu kéo dài vụ án thì sẽ có nguy cơ “chìm xuống và có dấu hiệu lọt tội.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Đạt, Thẩm phán TAND huyện Hà Trung, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho biết: Trong vụ án này, tuy hồ sơ vụ án có hình ảnh ghi lại cảnh đánh nhau (do người lái xe taxi quay video clip bằng điện thoại) nhưng CQĐT chưa xác định được người gây thương tích cho ông Xuân nên đã tách thành một vụ án khác.

Trong khi đó, Luật sư Vũ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Luật Incip (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì có quan điểm cho rằng, vụ án đã có chứng cứ rõ ràng thể hiện dấu hiệu tội “Cố ý gây thương tích”. Vì vậy, trước hết, CQĐT cần khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” để điều tra, làm rõ thủ phạm để khởi tố bị can. Nếu không khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” là vi phạm tố tụng và không thể nói là “tách” vụ án được. Vì trước hết, phải có vụ án thì mới nói đến chuyện “tách” hay “nhập”. 

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì: “CQĐT chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật sự cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án”. Trong vụ việc này, cả hành vi “gây rối” và “cố ý gây thương tích” đều diễn ra tại một địa điểm, cùng “khoanh vùng” ở một số đối tượng; trùng nhau về hung khí, về nhân chứng... Tức là vụ việc có dấu hiệu việc một bị can phạm hai tội ở cùng thời điểm, cùng không gian... nên việc tách vụ án là ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện vụ án. Nếu tách vụ án, CQĐT sẽ phải lấy lại lời khai của những người liên quan trong vụ án mới này. Điều này sẽ càng gây khó khăn, phức tạp trong quá trình điều tra.

Hơn nữa, tại thời điểm này, Cáo trạng và bản án cũng không hề nêu lý do là tách vụ án do đâu, có phải do “không hoàn thành sớm việc điều tra hay không”. Vì vậy, có thể nói việc “treo” một phần vụ án như trường hợp trên là vi phạm tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội, không đảm bảo sự xử lý tội phạm một cách kịp thời, nghiêm minh. Vì vậy, đáng lẽ vụ án phải được trả về CQĐT để điều tra bổ sung do việc tách vụ án không đúng quy định. 

Đọc thêm