Ngày 19/6, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai một số văn bản pháp luật. Dự hội nghị có đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, báo cáo viên pháp luật tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên Trung ương, gồm: Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ; Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ truyền đạt các nội dung cơ bản, các điểm mới quan trọng của Bộ Luật Lao động năm 2019, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Toàn cảnh hội nghị |
Bộ Luật Lao động năm 2019 bao gồm 17 chương, 220 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021, thay thế Bộ Luật Lao động năm 2012 với nhiều quy định mới, quan trọng. Trong đó, lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Luật quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Bổ sung một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề trước hoặc sau với Ngày Quốc khánh 2-9. Luật quy định cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ, mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động… góp phần tạo cơ sở bền vững để xây dựng quan hệ lao đông tiến bộ, hài hòa, ổn định và phát triển.
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ truyền đạt một số điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức |
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020. Luật đã sửa đổi, bổ sung 5/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38/143 điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương với nhiều điểm đáng chú ý như: Quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương. Luật quy định rõ khung số lượng theo hướng giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND ở từng loại hình đơn vị hành chính; số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020 với nhiều điểm mới cần quan tâm như: Luật sửa đổi khái niệm về công chức; điều chỉnh chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; tuyển dụng công chức, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức; các loại hợp đồng làm việc đối với viên chức; thời hiệu, thời hạn, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức đã nghỉ hưu.