Thành lập “Cô nhi viện” để tranh chấp đất?

Đang thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn tại 138, tổ 4, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thì các con nuôi của bà Nguyễn Thị Toàn phát hiện có một Cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) được Nhà nước cho thành lập tại nơi mình đang sinh sống. Cơ sở BTXH này còn tiến hành làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) tại đây khiến các con bà Toàn phải kêu cứu việc gia đình bị đoạt đất, chiếm tài sản…

Đang thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn tại 138, tổ 4, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thì các con nuôi của bà Nguyễn Thị Toàn phát hiện có một Cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) được Nhà nước cho thành lập tại nơi mình đang sinh sống. Cơ sở BTXH này còn tiến hành làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) tại đây khiến các con bà Toàn phải kêu cứu việc gia đình bị đoạt đất, chiếm tài sản…

“Cô nhi” chồng lên “Cô nhi viện”

Theo trình bày của bà Trần Thị Thịnh và ông Tô Văn Hậu, diện tích đất tại số nhà 138 nêu trên do cụ Nguyễn Thị Toàn (là mẹ nuôi của các ông bà - đã mất) sử dụng từ trước năm 1975 đến nay. Đây là nơi mà gia đình bà xây dựng nhà cửa, cơ sở vật chất để nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn…. Các hoạt động này mang tính chất gia đình mà không thành lập pháp nhân dưới dạng cơ sở BTXH. Tuy nhiên, người dân vẫn gọi đây là “Cô nhi viện Thiên Bình”.

Trong khi không hề tiến hành đề nghị nhà nước thành lập cơ sở BTXH thì bất ngờ gia đình bà Toàn được biết: ngày 29/4/2009, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định thành lập Cơ sở BTXH Cô Nhi Thiên Bình (không có chữ “Viện” như tên thường gọi về hộ bà Toàn) tại ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, huyện Long Thành (nay là TP Biên Hòa - PV). Ít ngày sau, bằng việc “ban hành quy chế tổ chức và hoạt động” Cô nhi Thiên Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã thừa nhận cơ sở BTXH này “đặt tại 138, tổ 4, ấp Thiên Bình” (là địa chỉ sinh sống của bà Thịnh - PV).

Tuy nhiên, theo tố cáo của gia đình bà Toàn thì cái gọi là “cơ sở BTXH Cô nhi Thiên Bình” chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà không hề có đất đai, nhà cửa và các trang thiết bị khác. Không hiểu cơ quan chức năng đã thẩm tra, xác minh ra sao mà pháp nhân này lại “nằm chồng” lên địa chỉ của một hộ dân đang sinh sống, đang có các hoạt động từ thiện từ hàng chục năm nay?.

Bà Thịnh, ông Hậu cho rằng, đã có sự lợi dụng tên thường gọi, hoạt động từ thiện của gia đình mình để rồi lập lờ, “qua mặt” cơ quan chức năng, thành lập pháp nhân với tên gọi “Cô nhi Thiên Bình” để “xóa” tên chủ đất, chủ tài sản cũ ở đây?.

“Cô nhi Thiên Bình” được thành lập có đúng luật?

Hiện nay, quá trình hợp thức hóa quyền sử dụng nhà, đất tại 138, tổ 4, ấp Thiên Bình cho cơ sở BTXH cô nhi Thiên Bình đang được xúc tiến khi mà từ đầu năm 2011, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn “đề nghị Cơ sở BTXH cô nhi Thiên Bình liên hệ…

Phòng Đăng ký TN & MT thuộc Sở TN & MT tỉnh Đồng Nai để được hướng dẫn thủ tục cấp GCN, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (khoảng hơn 44.000m2) thuộc thửa số 23 và 24, tờ bản đồ 44 xã Tam Phước, TP Biên Hòa”.

Như vậy, tại thời điểm thành lập cơ sở BTXH cô nhi Thiên Bình năm 2009 thì nhà, đất tại 138, tổ 4, ấp Thiên Bình vẫn chưa có ai đứng tên trên GCN. Theo quy định thì lúc đó, hồ sơ thành lập phải có “Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội”. Không hiểu hồ sơ đã có giấy tờ gì gọi là “hợp pháp” để chứng minh quyền sử dụng đất của người xin thành lập cơ sở?

Trong khi đó, gia đình bà Toàn- người không đứng tên thành lập “cô nhi Thiên Bình”- lại có nhiều tài liệu để chứng minh quyền sử dụng đất của mình: Năm 1993, bà Toàn đã có đơn xin cấp GCN (thửa 23 và một phần thửa 24, tờ bản đồ 44) gửi đến UBND huyện Long Thành; năm 1994, bà Toàn và các con được đăng ký hộ khẩu thường trú; năm 2002, bà Toàn đã được UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận là chủ sử dụng đất và tài sản ở đây để được nhận đền bù đất, tài sản, đất tái định cư khi thực hiện dự án xây dựng nhà máy của Cty Trí Quang.

Hai năm sau, bà Toàn- với tư cách là chủ đất- cũng đứng ra thỏa thuận đền bù đất, tài sản với Cty CP thép Bắc Nam khi bị mất đất để xây dựng nhà máy cán thép (lấy tiền xây nhà dưỡng lão)…

Nếu cơ quan chức năng xác định rõ quyền sử dụng đất trước khi thành lập “cô nhi Thiên Bình” (đúng theo quy định tại Điều 25, Nghị định 68/2008/NĐ- CP) thì có lẽ đã không có tranh chấp đất dai dẳng giữa những người quản lý Cơ sở BTXH này với gia đình bà Toàn tại 138, tổ 4, ấp Thiên Bình như hiện nay.

Nếu đúng theo xác nhận của UBND xã Tam Phước là “thửa đất 23 và 24, tờ bản đồ 44 là tài sản của gia đình bà Toàn” thì đã có tình trạng “mếu dở” khi cơ sở BTXH do Nhà nước thành lập thì không có nhà, đất để hoạt động. Còn hộ gia đình có nhà đất thì lại không phải là chủ cơ sở BTXH xa lạ kia.

Để tình trạng “râu ông nọ, cắm cằm bà kia” và đẩy dân vào chỗ tranh chấp đất như trên là trách nhiệm của ai?. Đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xác minh, làm rõ và chỉ đạo cơ quan chức năng sớm giải quyết tranh chấp đất tại đây trước khi làm thủ tục cấp GCN cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.           

P.V.

Đọc thêm