Thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã 10 tỉnh

(PLVN) - Chiều 13/2, tại phiên họp 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh bao gồm An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Hình ảnh tại phiên họp.
Hình ảnh tại phiên họp.

Chính phủ trình UBTVQH về việc thành lập, nhập các ĐVHC đô thị của 9 tỉnh là Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk (thành lập 1 TP và 3 thị xã thuộc tỉnh, 34 phường và 12 thị trấn, trong đó có 5 thị trấn là huyện lỵ) và điều chỉnh địa giới ĐVHC của 2 xã thuộc tỉnh Trà Vinh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc thành lập, nhập ĐVHC đô thị và điều chỉnh địa giới các ĐVHC nêu trên bảo đảm đủ 5 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đạt đủ các tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, căn cứ vào vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của các ĐVHC nêu trên thì việc thành lập, nhập các ĐVHC đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường… trên địa bàn là cần thiết; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra tán thành với sự cần thiết thành lập 1 TP (Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương), 3 thị xã (Thuận Thành và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang), 34 phường (thuộc TP, thị xã của các tỉnh Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc) và 11 thị trấn (thuộc các huyện của các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk) cũng như việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và việc điều chỉnh địa giới của 2 ĐVHC cấp xã của tỉnh Trà Vinh với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc thành lập 4 ĐVHC đô thị cấp huyện và 45 ĐVHC đô thị cấp xã tại 9 tỉnh nêu trên sẽ làm tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc lên thêm 0,47%; góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo chú trọng các nội dung về việc bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng các yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị; có phương án bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức và việc chuyển đổi các loại giấy tờ hành chính cho người dân khi có nhu cầu.

Tại phiên họp, UBTVQH đã thông qua các Nghị quyết về thành lập, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh nêu trên với tỷ lệ tán thành 100%.

Các nghị quyết về việc thành lập ĐVHC đô thị tại 9 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 trong khi Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới ĐVHC giữa xã Ngũ Lạc và xã Long Khánh thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023.

Đọc thêm