Thành lập tòa án khu vực - cân nhắc để không xa dân

(PLO) - Việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH đề cập tại  phiên thảo luận chiều nay (3/6) về Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). 
Trước thực tế, lượng án giữa các tòa án giải quyết hàng năm không giống nhau dù cơ cấu, tổ chức vẫn giống nhau, nhiều ĐBQH thống nhất với quan điểm của TANDTC cho rằng, thành lập TAND theo đơn vị hành chính lãnh thổ đang tạo ra những trở ngại, khó khăn, thách thức lớn trong đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của các toà án cấp huyện. 
Không những thế, sức ép về đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ thẩm phán cho TAND cấp huyện sẽ càng tăng trước xu hướng tăng thêm đơn vị hành chính cấp huyện. Bên cạnh đó, do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện nên TAND bị coi là “cơ quan của địa phương”, ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước. 
Từ đó, đa số ĐBQH đồng tình thành lập TAND 4 cấp, trong đó có thành lập TAND sơ thẩm khu vực trên địa bàn một vài đơn vị hành chính cấp huyện với nhau. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là việc lập TAND sơ thẩm khu vực có làm tăng thêm biên chế hay không? nếu thành lập thì ngân sách phải đầu tư bao nhiêu? nguồn lực như thế nào? có khẳng định được hoạt động sẽ tốt hơn và nâng cao được chất lượng bản án hay không? vấn đề giám sát cơ quan dân cử địa phương như thế nào? 
ĐB Trần Xuân Hùng (tỉnh Hà Nam) cũng như một số ĐBQH đề nghị, trước hết nên thí điểm mô hình TAND sơ thẩm khu vực, sau đó tổng kết rồi mới đưa vào trong luật để đảm bảo tính ổn định.
Một số ĐBQH cũng bày tỏ lo lắng về việc giải quyết mối quan hệ giữa TAND sơ thẩm khu vực với các cơ quan giám sát, tố tụng, tư pháp khác tại địa bàn đặt TA này, cũng như liệu TAND sơ thẩm khu vực có khiến “TA xa dân vì TA khu vực sẽ quản lý một địa bàn rộng, nhất là những TA thuộc diện “sáp nhập thành TAND sơ thẩm khu vực” thường ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn”… dù TANDTC đã đưa ra giải pháp dùng trụ sở của TAND cấp huyện hiện nay thành Chi nhánh của TAND sơ thẩm khu vực để tiếp dân, nơi xét xử lưu động.
Vẫn có ĐBQH không thống nhất với việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực vì như ý kiến của ĐB Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình), ngoài lo ngại như các ĐBQH khác về việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực thì qua giám sát cho thấy hệ thống TAND cấp huyện hiện nay khi xét xử vẫn hiệu quả./.

Đọc thêm