Phòng khám gia đình được thanh toán bảo hiểm y tế

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Thông tư Hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình. Theo đó, 8 tỉnh thành phố sẽ có bác sĩ gia đình và người dân được chi trả BHYT khi khám chữa bệnh tại phòng khám gia đình.
Phòng khám bác sĩ gia đình - Trạm Y tế phường 6, quận Gò Vấp
Phòng khám bác sĩ gia đình - Trạm Y tế phường 6, quận Gò Vấp
Theo thông tư vừa ban hành, trước mắt, mô hình bác sĩ gia đình áp dụng tại 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Tuy nhiên, ở những thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng thí điểm cá nhân, tổ chức ở địa phương khác nếu có đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình thì Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân, tổ chức đề nghị có văn bản gửi Bộ Y tế để được hướng dẫn việc áp dụng Thông tư này.
Phòng khám Bác sĩ gia đình có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, quản lý, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn diện cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, cho hộ gia đình và cộng đồng; Sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật; Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng phù hợp với phạm vi chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề; Tư vấn về sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống nguy cơ đối với sức khỏe nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; Cung cấp thông tin liên quan đến sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình do bác sĩ gia đình quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Phòng khám bác sĩ gia đình là một trong các cơ sở đầu tiên tiếp nhận người bệnh trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhiệm vụ: Sàng lọc, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định về chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh và tiếp nhận người bệnh để tiếp tục quản lý, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm hoạt động quản lý sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; Liên hệ để chuyển người bệnh thuộc phạm vi quản lý sức khỏe của phòng khám bác sĩ gia đình đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh.
Phòng khám bác sĩ gia đình được phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Theo quy định, với những phòng khám bác sĩ gia đình đề nghị cấp giấy phép hoạt động trước ngày 1.1.2018, người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình và có thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng. Đối với phòng khám bác sĩ gia đình đề nghị cấp giấy phép hoạt động từ ngày1.1.2018, thì người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình, có thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng, trong đó có đủ 24 tháng khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2014./.

Đọc thêm