Đảm bảo các điều kiện cần thiết
Báo cáo tại buổi kiểm tra, ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết: Công tác xây dựng thể chế và các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm, chú trọng thực hiện. Hằng năm, Thanh tra Chính phủ đều ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, văn bản đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cho công chức làm công tác này tại các đơn vị trong Thanh tra Chính phủ đã được Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức. Kinh phí cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL được Thanh tra Chính phủ quan tâm, đảm bảo đầy đủ, đáp ứng yêu cầu.
Thanh tra Chính phủ đã tổ chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ kiểm tra văn bản, cụ thể: Kiểm tra nghiêm túc, đầy đủ đối với 100% thông tư do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành theo thẩm quyền. Thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền VBQPPL do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Tổng Thanh tra Chính phủ. (Năm 2021 có 64 văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; năm 2022 có 53 văn bản; 6 tháng đầu năm 2023 có 14 văn bản).
Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo. |
Về công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, hằng năm, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện việc rà soát VBQPPL có quy định về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng. Kết quả rà soát cho thấy các VBQPPL được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và Luật Phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Thanh tra Chính phủ cũng đã thực hiện một số nhiệm vụ rà soát theo chuyên đề, rà soát VBQPPL theo yêu cầu cơ quan có thẩm quyền.
Trong năm 2021, 2022, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần theo quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
Sau khi nghe báo cáo, thành viên Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị của Thanh tra Chính phủ làm rõ hơn về một số nội dung như: số lượng văn bản tự kiểm tra; số lượng văn bản kiểm tra theo thẩm quyền; việc cập nhật văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia; tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL…
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị làm rõ một số nội dung. |
Kịp thời nhận diện tồn tại qua công tác kiểm tra văn bản
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy khẳng định công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL là công tác thường xuyên, cần thiết, qua đó chỉ ra tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực thi pháp luật. Sau khi có văn bản của Bộ Tư pháp và Đoàn Kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiểm tra các nội dung được yêu cầu. Ngoài ra, hàng năm Thanh tra Chính phủ cũng thành lập các Tổ công tác kiểm tra rà soát VBQPPL tại trung ương và địa phương để nhận diện các tồn tại, vướng mắc. Ghi nhận các ý kiến đánh giá bước đầu của đoàn kiểm tra, ông Dương Quốc Huy đề nghị Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp các đơn vị tiến hành rà soát các nội dung, số liệu trong báo cáo đảm bảo thống nhất, đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới của Thanh tra Chính phủ đối với công tác này.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy ghi nhận các ý kiến của đoàn kiểm tra. |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao về kết quả TTCP đã đạt được trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế; kịp thời ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, văn bản đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, cơ bản các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL; nội dung văn bản cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, TTCP đã thường xuyên tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho công chức làm công tác này tại các đơn vị,. Các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cũng được ưu tiên bố trí và đảm bảo đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phát biểu kết luận |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn văn bản có nội dung chưa phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, chưa bảo đảm đúng thể thức, kỹ thuật trình bày, văn bản hành chính có chứa QPPL; một số văn bản do Thanh tra Chính phủ ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật chưa được kịp thời phát hiện qua công tác tự kiểm tra văn bản hay không còn phù hợp với quy định pháp luật do văn bản làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung chưa được rà soát, xử lý kịp thời; công tác thực hiện định kỳ công bố danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực hằng năm chưa đảm bảo đúng thời hạn công bố theo quy định…
Để kịp thời khắc phục một số hạn chế đã nêu, thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bảo đảm thi hành nghiêm túc, toàn diện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
Đối với các văn bản đã được Đoàn kiểm tra cần kịp thời xử lý và thông báo kết quả tới Bộ Tư pháp theo quy định; có biện pháp xử lý đối với các văn bản đã được công bố hết hiệu lực nhưng không đúng các trường hợp văn bản hết hiệu lực. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc hoàn thiện quy định pháp luật để giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ yêu cầu thực tiễn, đặc thù trong lĩnh vực phụ trách của mình.
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời nhận diện, chấn chỉnh, khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện các VBQPPL; đề cao hơn nữa trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng, thi hành pháp luật. Chủ động trong kiểm tra theo thẩm quyền, kiểm soát mức độ phù hợp của VBQPPL qua công tác tự kiểm tra, lưu ý tránh để xảy ra những quy định không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Lựa chọn chuyên đề kiểm tra VBQPPL hàng năm gắn với lĩnh vực có nhiều kiến nghị, được xã hội quan tâm.
Cùng với đó tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí, người dân đối với lĩnh vực quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong kiểm tra, rà soát VBQPPL, đặc biệt trong hoàn thiện thể chế; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức hợp lý; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.