Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt Công ty dược mỹ phẩm Aurenda 30 triệu đồng

(PLVN) - “Đối với sản phẩm mỹ phẩm quảng cáo trên web mà ghi là “trị” bệnh là không đúng. Mỹ phẩm chỉ có tác dụng là sạch, làm đẹp, thay đổi diện mạo, không có chức năng điều trị. Đối với trường hợp này không thu hồi sản phẩm mà chỉ gỡ bỏ web quảng cáo, mức độ xử phạt khoảng 30 triệu đồng”, đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội biết.
Công ty dược mỹ phẩm Aurenda quảng cáo sản phẩm Sarahee bằng những hình ảnh nhạy cảm.
Công ty dược mỹ phẩm Aurenda quảng cáo sản phẩm Sarahee bằng những hình ảnh nhạy cảm.

Sau thông tin Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh “Công ty dược mỹ phẩm Aurenda quảng cáo mỹ phẩm như thuốc” và “Công ty dược mỹ phẩm Aurenda dùng hình ảnh “gợi dục” để quảng cáo sản phẩm?”, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, bất ngờ kiểm tra Công ty dược mỹ phẩm Aurenda.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm tra cơ sở này ngày 05/01/2021, Giám đốc công ty là Nguyễn Hữu An. Kết quả kiểm tra Công ty dược mỹ phẩm Aurenda chủ yếu kinh doanh online. Thời điểm kiểm tra công ty chỉ có có 4 loại sản phẩm, xuất trình đầy đủ công bố là mỹ phẩm. Tất cả các phiếu công bố sản phẩm đều là mỹ phẩm, không liên quan đến thuốc.

“Đối với sản phẩm quảng cáo trên web mà ghi là trị là không đúng. Mỹ phẩm chỉ có tác dụng là sạch, làm đẹp, thay đổi diện mạo, không có chức năng điều trị. Đối với trường hợp này không thu hồi sản phẩm mà chỉ gỡ bỏ web quảng cáo, mức độ xử phạt khoảng 30 triệu đồng. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ có tình tiết tăng nặng xử phạt”, đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thông tin.

Cũng theo ông Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, đối với việc quảng cáo như trang web đồi trụy đó là thuộc về văn hóa. Sở Y tế xử phạt trong 30 triệu đồng đã bao gồm cả việc không phù hợp với nội dung đã được duyệt.

“Thực ra rất khó kiểm soát việc quảng cáo này trên các trang quảng cáo online, có một số doanh nghiệp không nắm được hết quy định về quảng cáo, cũng có trường hợp doanh nghiệp cố tình quảng cáo sai nội dung được duyệt.

Trên thực tế, tình trạng sản phẩm quảng cáo như thuốc chữa bệnh đã bị xử phạt rất nhiều, trong năm 2020 Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt với tổng số tiền là khoảng 1,5 tỷ đồng. Con số này đã tăng so với năm 2019. Tôi cũng đề nghị phía Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý các website, bởi cùng một sản phẩm của công ty bản thân trang web chính thì đăng tải rất đúng nội dung quảng cáo được duyệt, tuy nhiên những website phụ thì có trường hợp đăng tải sai lệch nội dung”, ông Đức cho biết.

Ông Đức cũng cho biết thêm: “Với những trường hợp vi phạm lần 2, lần 3 với việc quảng cáo sản phẩm như thuốc điều trị hay dùng hình ảnh gây phản cảm thì sẽ tăng nặng mức xử phạt, và sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép quảng cáo”.

Ở một diễn biến khác, bà Lê Thị Thắm, đại diện Công ty dược mỹ phẩm Aurenda cho biết: “Công ty được thành lập từ năm 2018 và cũng mới bước sang làm thương hiệu. Đến năm vừa rồi công ty cũng bắt đầu phát triển thêm một số nhóm sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm Sarahee này cũng mới. Vậy nên ban đầu chạy cũng có một số kênh như cộng tác viên marketing mà công ty chưa kiểm soát hết được”.

Trả lời câu hỏi về nội dung quảng cáo trên trang web sarahee.vn, bà Thắm cho hay: “Trang web sarahee.vn công ty cũng có đăng kí tên miền thông qua một cộng tác viên quản trị, làm nội dung cho công ty. Công ty cho cộng tác viên phát triển nội dung chứ phía công ty không trực tiếp xây dựng nội dung trên website đó. Hiện công ty đang ở giai đoạn đầu nên cũng chưa kiểm soát hết về nội dung. Còn đúng theo quy định công ty sẽ kiểm soát và thay đổi”.

Đọc thêm