- Rất nhiều câu chuyện tố “giật chồng” ồn ào trong giới showbiz gần đây, Thanh Vân cũng từng đóng vai chính là người thứ ba không được chào đón trong phim “Hoa nở trái mùa”, giả sử nếu trót rung rinh trước người đàn ông có vợ thì bạn xử lý thế nào?
- Vân thấy chuyện đó rất là bình thường và có thể xảy ra trong cuộc sống. Mọi người không thể nói hay nói tốt rằng mình sẽ không bao giờ gặp hoàn cảnh này, hoàn cảnh kia.
Tuy nhiên, Vân không bao giờ để mình rơi vào tình trạng đấy. Nếu mình biết người đó có vợ thì sẽ tìm cách chấm dứt. Còn nếu người ta yêu thương mình thực sự, muốn đến với mình một cách nghiêm túc, người ta phải chứng minh với mình rằng họ đã không còn liên quan gì tới gia đình cũ. Khi đó mình sẽ đến với người ta. Quan điểm của Vân rất rõ ràng.
Một phụ nữ khi rơi vào tình trạng này thì một là vẫn yêu nhưng xác định chỉ giữ mà không cướp chồng người khác. Hai là quan điểm giành giật bằng được. Vân không chấp nhận cả hai quan điểm đó.
Nếu muốn thì hãy đến với nhau bằng đường chính, không phải cách “mèo mả, gà đồng” như thế. Vân không bao giờ để mình rơi vào trường hợp phải giành giật hay phải cướp cái gì đó từ người khác.
|
- Còn đặt địa vị Thanh Vân Hugo là người vợ “bị giật chồng” thì bạn sẽ cư xử thế nào trong trường hợp đau lòng này?
Vân chỉ nghĩ con người càng từng trải càng nhìn nhận mọi thứ thanh thản và bình lặng, càng ít từng trải sẽ càng “nhảy dựng” lên. Với những người vợ đang có một cuộc sống tạm gọi là hạnh phúc hoặc gọi là hạnh phúc họ sẽ “nhảy dựng” lên khi họ cảm thấy có điều bất công xung quanh mình. Nhưng với những người trải qua đau khổ rồi họ sẽ thấy những điều đó rất bình thường.
Và cuộc sống phải thế, mình có muốn không thế nó vẫn thế nên nếu mình chấp nhận nó thì thấy mọi chuyện đơn giản rất nhiều. Chấp nhận nhưng không phải theo nghĩa là mình thỏa hiệp mà chấp nhận theo kiểu nó là như thế đấy, nếu mình đi tiếp được thì đi, không thì mình nên dừng lại.
- Nhưng có vẻ khái niệm cướp và giật cũng rất vô lý?!
Đúng rồi, đàn ông có phải đồ vật đâu mà cướp mới giật.