Ông Phạm Lương Bình trú tại 106, ngõ 129, đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) có đơn gửi báo PLVN phản ánh việc thửa đất của minh nằm trong phạm vi giải tỏa đền bù để thực hiện dự án thoát nước giai đoạn 2 của thành phố Hà Nội, nhưng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thanh xuân (BBTGPMB Thanh Xuân) không đền bù mức 11.200.000đồng/m2 mà chỉ hỗ trợ cho gia đình 50.000đồng/m2…
Qua xác minh chúng tôi được biết, thửa đất mà ông Phạm Lương Bình đang sử dụng có tổng diện tích 191,35m2; Nằm cạnh là thửa đất của ông Phạm Lương Bằng có tổng diện tích 162,7m2.
Cả hai thửa đất này là đất ở, vốn là tài sản của vợ chồng ông bà Phạm Hữu Công và Phan Thị Thọ mua của người cùng thôn trước năm 1970. Đến khoảng năm 1993, vợ chồng ông Công chia cho các con là Phạm Lương Bằng (162,7m2) và Phạm Lương Bình (191,35m2). Trong thửa đất của ông Bình có một phần do vợ chồng ông Bình mua của ông Mùi là người hàng xóm.
Trước năm 2010, UBND thành phố Hà Nội triển khai xây dựng Dự án thoát nước giai đoạn 2 sông Tô Lịch. Để thực hiện, thành phố Hà Nội đã tiến hành đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân một số quận trong đó có quận Thanh Xuân. Khi tiến hành giải phóng mặt bằng BBTGPMB Thanh Xuân đã phối hợp với UBND phường Thượng Đình để lập phương án đền bù.
Đối với trường hợp của gia đình ông Bằng với tổng diện tích sử dụng là 162,7m2, bị thu hồi 97,22m2 và được đền bù 11.200.000đồng/m2 nên gia đình ông Bằng được nhận số tiền hơn 1 tỷ đồng. Còn trường hợp của gia đình ông Bình có tổng diện tích 191,35m2 thì bị thu hồi 72,48m2. Vì cùng một mảnh đất chia ra, nên lẽ ra BBTGPMB Thanh Xuân phải đền bù cho gia đình ông Bình 11.200.000 đồng/m2, nhưng không hiểu vì lý do gì gia đình ông Bình chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng/m2.
Lý giải điều bất hợp lý này, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình Vương Minh Hưng cho biết, việc lập phương án đền bù trước đây có thể do cán bộ địa chính đo vẽ sai. Nhưng khi được hỏi: Vì sao đến nay sự việc vẫn chưa được khắc phục ?, thì ông Hưng giải thích, trách nhiệm của UBND phường là đo vẽ diện tích thửa đất, kiểm đếm tài sản trên đất, thu thập tài liệu làm căn cứ…sau đó gửi hồ sơ về quận để quận ra quyết định.
Theo ông Hưng, trường hợp của gia đình ông Bình UBND phường Thượng Đình không thể ra quyết định sửa sai đối với “phán quyết” của BBTGPMB Thanh Xuân, mà chỉ có lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân mới có đủ thẩm quyền.
Sự việc khá rõ ràng và ngya giữa lòng thủ đô Hà Nội, đề nghị UBND quận Thanh Xuân sớm xem xét chỉ đạo giải quyết sự việc để đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật, tránh khiếu kiện kéo dài.
Hữu Thanh