Tháo gỡ bất cập quy hoạch để Đà Lạt bứt phá (Bài 2): Nhận diện một số vướng mắc trong hai Văn bản 704 và 1409

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 (quy hoạch 704) và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của Đà Lạt (quy hoạch 1409), được xem là “xương sống” để Đà Lạt phát triển. Nhưng qua thực tế triển khai, những quy hoạch trên đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.
Bất cập trong quy hoạch dẫn tới những khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng ở Đà Lạt.
Bất cập trong quy hoạch dẫn tới những khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng ở Đà Lạt.

Quy hoạch chưa bám sát dân số, thiếu khu vực phát triển

Một trong những tiêu chí, căn cứ để làm quy hoạch chuẩn và đúng; là dựa vào số dân, cơ cấu dân số, từ đó tính toán tỷ lệ các loại đất ở, dịch vụ thương mại, hạ tầng. Nhưng theo nhiều ý kiến, quy hoạch 704 chưa tính toán kỹ yếu tố dân số.

Đà Lạt có 300 ngàn dân ổn định, hay còn gọi là dân số cơ học, có hộ khẩu thường trú Đà Lạt. Tuy nhiên, do đặc thù vùng du lịch nên rất nhiều người đến Đà Lạt du lịch thường xuyên, mua thêm ngôi nhà thứ hai phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng; nhiều người sinh sống làm việc tại Đà Lạt nhưng không đăng ký tạm trú. Số dân “lưu động”, vãng lai này ước tính bằng 30 - 40% dân số cơ học lại chưa được tính toán khi làm quy hoạch; dẫn tới việc phân bổ các loại đất chưa thực sự hợp lý, nhất là đất ở.

Theo quy hoạch 704, Đà Lạt có 5.800ha đất ở đô thị gồm đất hạ tầng giao thông và đất ở, trong đó chỉ 2.800ha xây dựng được. Tỷ lệ này quá ít, từ đó dẫn tới hệ lụy như vi phạm trật tự xây dựng, dựng nhà tạm nhà kính trái phép… do nhu cầu nhà ở quá lớn.

Cũng theo quy hoạch 704, đến 2011, Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên 39.440ha, dân số 211.696 người. Dự báo 2030, dân số 240.000 - 250.000 người, trong đó 40.000 - 50.000 người quy đổi từ khách du lịch… Trên thực tế, dự báo trên là không phù hợp. Thực tế tăng dân số đã gây áp lực rất lớn lên quản lý sử dụng đất, hạ tầng tại khu vực trung tâm Đà Lạt.

Bất cập nữa là quy hoạch 704 thiếu quỹ đất kêu gọi đầu tư lớn, ví dụ khu du lịch Hồ Tuyền Lâm theo Quy hoạch 704 không có vùng quy hoạch kêu gọi đầu tư nữa.

Hay theo Quyết định 409/2002/QĐ-TTg ngày 27/5/2002 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2020 (quy hoạch 409) đã định hướng tới phát triển hạ tầng, cụ thể như 6 khu dân cư (KDC) gồm KDC số 1 phường 8; KDC số 2 đường Phù Đổng Thiên Vương; KDC số 3 đường Cao Thắng; KDC số 4 ở An Sơn; KDC số 5, 5B và số 6 ở phường 11. Đến nay một số KDC đã hình thành và các khu vực kêu gọi đầu tư như dự án ĐanKia - Suối Vàng, Nam Hồ… Tuy nhiên, Quy hoạch 704 chỉ cập nhật lại các khu phát triển mà chưa có định hướng phát triển vùng, thiếu khu vực mới, không có khu vực quy mô để kêu gọi đầu tư.

Cần giảm đất nông nghiệp, đất rừng đang sản xuất nông nghiệp

Trước những bất cập trên, nhất là công tác quản lý, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên Đà Lạt, năm 2017 tỉnh Lâm Đồng có Văn bản 1887/UBND-XD1 chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND Đà Lạt tiếp tục kiểm tra, rà soát, phân loại các KDC tự phát đã tồn tại trong các mốc thời gian (trước 1993, từ 1993 đến khi Thủ tướng ban hành Quyết định 704) để tổng hợp, đề xuất phương án xử lý phù hợp.

Với các KDC hình thành trên đất nông nghiệp, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để đảm bảo thuận lợi trong triển khai thực hiện quy hoạch và quyền lợi cho các hộ dân. Hiện Đà Lạt cũng đã có những phương án theo định hướng trên, nhưng không thể triển khai do chưa điều chỉnh quy hoạch 704.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 16/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng về phát triển Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045; đã định hướng khu vực phát triển dân cư, kinh tế. Trong đó về quy hoạch và quản lý đô thị, nêu rõ mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch và đô thị giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2045; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tích hợp đồng bộ, đảm bảo tính liên tục, kế thừa, có điều chỉnh, bổ sung và phát triển các quy hoạch.

Thực tế tăng dân số đã gây áp lực rất lớn lên quản lý sử dụng đất, hạ tầng tại Đà Lạt.

Thực tế tăng dân số đã gây áp lực rất lớn lên quản lý sử dụng đất, hạ tầng tại Đà Lạt.

Thứ hai, rà soát, điều chỉnh, xử lý các bất cập trong quy hoạch 704 để phát triển Đà Lạt giai đoạn tiếp theo; mở rộng không gian đô thị; xây dựng Đà Lạt thành đô thị hiện đại, TP sáng tạo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hoá di sản mang tầm quốc tế gắn với quy hoạch phát triển “TP trong rừng, rừng trong TP”…

Nghị quyết 04-NQ/TU nhấn mạnh yêu cầu sửa quy hoạch cần đảm bảo sử dụng đất hợp lý, giảm diện tích đất nông nghiệp, đất rừng hiện trạng đang sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; xây dựng triển khai kế hoạch phát triển đô thị Đà Lạt tăng trưởng xanh, bền vững; tổ chức thí điểm “làng đô thị xanh”, “nông nghiệp đô thị” gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Từng bước sắp xếp, quy định mật độ và các vùng được xây dựng nhà kính, nhà lưới nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị…

Vì sao quy hoạch “đá” quy hoạch

Giải thích vì sao các quy hoạch sử dụng đất của Đà Lạt chưa có sự thống nhất, đồng bộ, lãnh đạo UBND TP cho biết, Đà Lạt chịu sự điều chỉnh của Quy hoạch chung do Thủ tướng ban hành và quy hoạch sử dụng đất do UBND tỉnh ban hành. Năm 1994 có quy hoạch chung 620, năm 2002 thay thế bằng quy hoạch 409, đến 2014 có quy hoạch chung 704 (hiện đang áp dụng). Tương ứng với quy hoạch chung, năm 2015 tỉnh ban hành quy hoạch 681 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 -2015). Đến 2019, tỉnh điều chỉnh quy hoạch 681 bằng quy hoạch 1409 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (từ 2015 - 2020).

Bất cập là việc điều chỉnh quy hoạch 681 bằng quy hoạch 1409 dựa vào quy hoạch chung 409 được ban hành 2002 (khi đó Luật Đất đai 2013 chưa có và chưa có quy hoạch 704) dẫn đến sự chưa thống nhất giữa quy hoạch 704 và quy hoạch 1409.

Hiện tỉnh đang trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch 704, đồng thời rà soát điều chỉnh quy hoạch 1409, khi đó hai quy hoạch mới thống nhất, đồng bộ.

Điều chỉnh quy hoạch 704 chặt chẽ, kỹ lưỡng, khoa học

Trong một thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Lâm Đồng về điều chỉnh quy hoạch 704, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Quy hoạch 704 và các đồ án quy hoạch liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch giao thông…) chưa thực sự đồng bộ thống nhất, còn nhiều thiếu sót trong cập nhật quy hoạch. Công tác phát triển quỹ đất chưa hiệu quả. Việc bố trí quỹ đất phát triển khu dân cư chưa phù hợp với hiện trạng, nhu cầu phát triển và chưa đáp ứng được yêu cầu thu hút các nguồn lực đầu tư nên tính khả thi không cao…

Để triển khai điều chỉnh quy hoạch 704 đảm bảo hiệu quả, phù hợp quy định hiện hành, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh, Chủ tịch tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo đề xuất điều chỉnh quy hoạch 704 đảm bảo chặt chẽ, kỹ lưỡng, khoa học; đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch phải tạo sự phát triển đột phá, táo bạo, phát triển bền vững, có tầm nhìn chiến lược. Trong đó, điều chỉnh quy hoạch 704 phải đảm bảo phù hợp đồng bộ với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025…

(Còn tiếp)

Tháo gỡ bất cập quy hoạch để Đà Lạt bứt phá (Bài 1): “Ma trận” quy hoạch rối rắm dẫm chân nhau

(PLVN) - TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được biết đến là thành phố ngàn hoa với những lợi thế du lịch thiên nhiên ban tặng không nơi nào có được. Đà Lạt cũng là một trong những đô thị có tỷ lệ người nhập cư đông nhất cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh. Với sự phát triển “chóng mặt” đó, vấn đề quy hoạch đã bộc lộ những bất cập cần kịp thời tháo gỡ để đô thị du lịch này trở mình bứt phá.

Quy hoạch Đà Lạt bị đánh giá còn một số vướng mắc, bất cập.
Quy hoạch Đà Lạt bị đánh giá còn một số vướng mắc, bất cập.

Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là đất ở đô thị nhưng không thể xây nhà ở; đang có đất ở đô thị bỗng nhiên bị quy hoạch thành đất công viên cây xanh, đất trồng cây… Đó là những nghịch lý thực tế đang xảy ra do bất cập quy hoạch ở Đà Lạt.

>>>>>>> đọc tiếp

Đọc thêm