Tháo gỡ bất cập quy hoạch để Đà Lạt bứt phá (Bài cuối): Kỳ vọng gỡ vướng từ cuối 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được đánh giá là một trong những đô thị đáng sống bậc nhất Việt Nam, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) những năm gần đây trở thành điểm đến của du khách cũng như các nhà đầu tư. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, Đà Lạt cần sớm được “cởi bỏ” những vướng mắc trong công tác quy hoạch để vươn mình bứt phá. PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt.
Dự kiến đến cuối 2023 những bất cập trong quy hoạch 704 với Đà Lạt sẽ được tháo gỡ.
Dự kiến đến cuối 2023 những bất cập trong quy hoạch 704 với Đà Lạt sẽ được tháo gỡ.

- Với tốc độ phát triển như hiện nay, các quy hoạch liên quan tới Đà Lạt có còn phù hợp không, thưa ông?

- Từ sau 1975, quy hoạch chung Đà Lạt được phê duyệt tại các Quyết định 620 năm 1994, Quyết định 409 năm 2002 (điều chỉnh Quyết định 620), Quyết định 704 năm 2014 điều chỉnh Quyết định 409 hiện đang được áp dụng trong quản lý Nhà nước.

Trước đây, quy hoạch 620 được xây dựng dựa trên quy mô dân số thấp, việc xác định cơ chế và hệ thống chưa rõ ràng; nên việc kêu gọi đầu tư chưa rõ, chỉ tập trung phát triển nội tại TP.

Từ 1994 - 2002, quy hoạch chung Đà Lạt được duyệt tại Quyết định 409. Đây là giai đoạn đầu đổi mới kinh tế, dân cư đến Đà Lạt lập nghiệp ngày càng nhiều, dân số tăng, các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước ngày càng nhiều; nên quy hoạch 409 đã xác định 6 khu dân cư (KDC) và các khu du lịch Tuyền Lâm, Đankia - Suối Vàng… để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Các quy hoạch từ trước đến nay phần nào tạo nguồn lực phát triển cho TP. Tuy nhiên, Đà Lạt được đánh giá TP đáng sống, lượng người đến lập nghiệp ngày càng đông dẫn đến mức độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu xây dựng nhà ở ngày càng tăng, áp lực lên hạ tầng TP.

Sự phát triển của TP thời gian qua vẫn giữ nguyên quan điểm “Kế thừa - Bảo tồn gắn với sự phát triển” trên cơ sở “Thực hiện theo đúng các định hướng quy hoạch chung” qua các thời kỳ; song từ xu hướng, mức độ phát triển, đô thị hoá như trên, các đồ án quy hoạch cần kịp thời điều chỉnh để đáp ứng theo yêu cầu phát triển của thực tiễn cũng như định hướng tương lai cho TP.

- Vậy định hướng điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt thế nào để “cởi trói” cho TP vươn mình?

- Ngày 12/11/2021, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025 định hướng 2030, tầm nhìn 2045, trong đó đề ra các giải pháp, định hướng quy hoạch gắn với tạo nguồn lực, thu hút đầu tư cho TP cho tương lai. Cụ thể như:

+ Tập trung rà soát, điều chỉnh, xử lý các bất cập trong thực hiện quy hoạch tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng để phát triển kinh tế - xã hội Đà Lạt giai đoạn tiếp theo; Mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng Đà Lạt thành đô thị hiện đại, TP sáng tạo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế gắn với quy hoạch phát triển “TP trong rừng, rừng trong TP” trên cơ sở chỉnh trang, bảo tồn cảnh quan, kiến trúc và các di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa.

+ Sử dụng đất hợp lý, giảm diện tích đất nông nghiệp, đất rừng hiện trạng đang sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, sinh thái; ưu tiên thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục chất lượng cao, khu dân cư cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại.

Bên cạnh đó, TP đang tập trung rà soát, lập, phối hợp thực hiện các đồ án quy hoạch trên địa bàn từ quy hoạch tỉnh đến quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị,… trên tinh thần đảm bảo tính kế thừa, rà soát, bổ sung, phát triển thêm các nội dung cần điều chỉnh đảm bảo bám sát thực tiễn và phù hợp với yêu cầu phát triển của Đà Lạt và vùng phụ cận.

- Công tác hoàn thiện quy hoạch trên địa bàn Đà Lạt gặp những khó khăn nào, thưa ông?

- Thứ nhất, quá trình điều chỉnh quy hoạch 704 đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt một số đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn mới cũng đang trong quá trình điều chỉnh và đã hoàn thành công tác lập, thẩm định đồ án quy hoạch; tuy nhiên chưa thể phê duyệt vì quy hoạch chung đang trong quá trình điều chỉnh; dẫn đến kéo dài thời gian phê duyệt, chưa đảm bảo tiến độ đề ra.

Thứ hai, vướng mắc trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Nhiều người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp nhận, tham gia các cuộc họp công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong công tác quy hoạch. Chỉ khi nào người dân thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng,… phát hiện bất cập quy hoạch ảnh hưởng đến quyền lợi thì mới có đơn thư phản ánh, kiến nghị.

Thứ ba, vướng mắc về hệ thống quản lý bản đồ. Trước đây hệ thống bản đồ giải thửa trên địa bàn được lập khá lâu, chưa áp dụng Tọa độ VN2000, một số bản đồ quy hoạch thực hiện “vẽ tay” dẫn đến quá trình lập, triển khai quy hoạch có sự sai lệch về tọa độ, qua quá nhiều thời kỳ quy hoạch thì sự sai lệch càng lớn.

- Công tác điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận đang thực hiện tới đâu, thưa ông?

- Ngày 11/9/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 6364/VPCP-CN về việc chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050.

Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã thành lập BCĐ theo Quyết định 498-QĐ/TU; đồng thời UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 8995/KH-UBND về tổ chức triển khai lập đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050; gắn với 10 yêu cầu thực hiện, đảm bảo kế thừa hồ sơ, tài liệu quy hoạch chung đã được phê duyệt để thực hiện rà soát, bổ sung, phát triển các nội dung cần phải điều chỉnh đảm bảo bám sát thực tiễn, phù hợp yêu cầu phát triển của Đà Lạt và vùng phụ cận thời gian tới.

Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt.

Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt.

TP Đà Lạt đã có Báo cáo 4548/BC-UBND ngày 13/7/2022 gửi Sở Xây dựng về việc kiểm tra, rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất cơ chế xử lý trong thời gian tổ chức lập quy hoạch tỉnh và điều chỉnh quy hoạch chung 704; báo cáo Sở Xây dựng đề xuất các nội dung giải trình tiếp thu ý kiến của các bộ và hội nghề nghiệp liên quan với dự thảo nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050.

Hiện tại, Sở Xây dựng là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập nhiệm vụ, đồ án điều chỉnh quy hoạch 704. Chúng tôi được biết Sở Xây dựng đang hoàn thiện nhiệm vụ, dự toán đồ án và trình UBND tỉnh xem xét, trình Bộ Xây dựng tiến hành các bước tiếp theo. Chúng tôi hy vọng đến cuối 2023 những bất cập trong quy hoạch 704 sẽ được tháo gỡ.

- Xin cảm ơn ông!

TP Đà Lạt cũng đã ban hành Quyết định 4665/QĐ-UBND về đề án nâng cao chất lượng Quy hoạch trên địa bàn TP với mục tiêu khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch trên địa bàn; phát huy dân chủ, thực hiện tốt quy trình lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, tạo sự đồng thuận trong quá trình lập và triển khai quy hoạch; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong toàn bộ quá trình quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ…

Hiện Đà Lạt cũng đã số hóa các đồ án quy hoạch trên địa bàn, công khai, công bố trên phần mềm “Cung cấp thông tin quy hoạch” cho nhân dân, đảm bảo tính minh bạch trong công tác công khai; tạo sự thuận lợi trong quản lý.

Tháo gỡ bất cập quy hoạch để Đà Lạt bứt phá (Bài 1): “Ma trận” quy hoạch rối rắm dẫm chân nhau


(PLVN) - TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được biết đến là thành phố ngàn hoa với những lợi thế du lịch thiên nhiên ban tặng không nơi nào có được. Đà Lạt cũng là một trong những đô thị có tỷ lệ người nhập cư đông nhất cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh. Với sự phát triển “chóng mặt” đó, vấn đề quy hoạch đã bộc lộ những bất cập cần kịp thời tháo gỡ để đô thị du lịch này trở mình bứt phá.

Quy hoạch Đà Lạt bị đánh giá còn một số vướng mắc, bất cập.
Quy hoạch Đà Lạt bị đánh giá còn một số vướng mắc, bất cập.

Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là đất ở đô thị nhưng không thể xây nhà ở; đang có đất ở đô thị bỗng nhiên bị quy hoạch thành đất công viên cây xanh, đất trồng cây… Đó là những nghịch lý thực tế đang xảy ra do bất cập quy hoạch ở Đà Lạt........

Tháo gỡ bất cập quy hoạch để Đà Lạt bứt phá (Bài 2): Nhận diện một số vướng mắc trong hai Văn bản 704 và 1409


(PLVN) - Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 (quy hoạch 704) và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của Đà Lạt (quy hoạch 1409), được xem là “xương sống” để Đà Lạt phát triển. Nhưng qua thực tế triển khai, những quy hoạch trên đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.....



Đọc thêm