Tháo gỡ các vướng mắc do quy định của pháp luật để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(PLVN) - Chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú làm việc với các đơn vị về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú chủ trì cuộc làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú chủ trì cuộc làm việc.

Đưa pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh

Trình bày dự thảo Nghị quyết tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ phó Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định, các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội bao gồm quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất trong cùng một VBQPPL hoặc giữa các VBQPPL; quy định của VBQPPL không phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo tính khả thi.

Cùng với đó là quy định của VBQPPL hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, hạn chế việc đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quy định của VBQPPL không rõ ràng, minh bạch, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ không cần thiết, gây khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật; và chưa có quy định điều chỉnh các vấn đề mới, xu hướng mới.

Theo dự thảo Nghị quyết, các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật được ưu tiên xử lý bao gồm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế xanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng; cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý.

Tạo cơ sở pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo…

Bà Nguyễn Thị Phương Liên phát biểu tại cuộc làm việc.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên phát biểu tại cuộc làm việc.

Việc xử lý các vướng mắc được thực hiện theo một số nguyên tắc, trong đó có thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; nhanh chóng, kịp thời; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn, đưa pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ trong quá trình xử lý các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật…

Về phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, theo dự thảo, đối với khó khăn, vướng mắc do quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội (QH), pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTV) QH thì phải sửa đổi, bổ sung trước ngày 1/1/2028.

Trong thời gian, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH chưa được sửa đổi, bổ sung theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ ban hành VBQPPL điều chỉnh một số quy định đang được quy định trong các điều, khoản, điểm có liên quan tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, báo cáo UBTVQH, QH tại phiên họp, kỳ họp gần nhất.

Việc xây dựng, ban hành VBQPPL để xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật trong lĩnh vực ưu tiên, cấp bách được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Xác định các vướng mắc cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để tập trung xử lý

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã thảo luận về các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết. Trong đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị bám sát Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân để xác định rõ những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật cần ưu tiên xử lý, tháo gỡ.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thời hạn xử lý những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Kết luận nội dung cuộc họp, đánh giá cao Vụ Công tác xây dựng VBQPPL trong thời gian ngắn đã xây dựng dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Nghị quyết không chỉ để thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị mà còn để phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại cuộc làm việc.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại cuộc làm việc.

“Cần phải có đột phá, thay đổi, khác với cách làm truyền thống. Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện các chủ trương liên quan đến phân cấp, phân quyền, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đây là dịp để chúng ta rà soát lại hệ thống pháp luật, xử lý những vướng mắc để trong đảm bảo hệ thống pháp luật trong vài năm tới đi vào ổn định, thống nhất, đồng bộ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh.

Về tên gọi của Nghị quyết, Thứ trưởng đề nghị điều chỉnh thành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời thu hẹp phạm vi điều chỉnh tương ứng với tên gọi.

Cùng với đó, Thứ trưởng cũng đề nghị dự thảo Nghị quyết cần xác định các vấn đề vướng mắc có tính cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để tập trung xử lý.

Dự thảo nghị quyết cần tập trung vào 3 nhóm khó khăn, vướng mắc bao gồm khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội bao gồm quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất trong cùng một VBQPPL hoặc giữa các VBQPPL; những quy định không rõ ràng minh bạch, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện pháp luật; các quy định pháp luật làm tăng chi phí tuân thủ không cần thiết hoặc những quy định cản trở những vấn đề mới, xu hướng mới phục vụ tăng trưởng kinh tế…

Khẳng định các nội dung của dự thảo Nghị quyết đều là những vấn đề khó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị Vụ Công tác xây dựng VBQPPL tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Đọc thêm