Tháo gỡ vướng mắc để điện mặt trời mái nhà phổ biến hơn

(PLVN) - Sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió) đang là xu thế của thời đại.
Giám đốc Công ty Điện lực Chương Mỹ Trần Ngọc Mười.
Giám đốc Công ty Điện lực Chương Mỹ Trần Ngọc Mười.

Theo Giám đốc Điện lực Chương Mỹ (Hà Nội) Trần Ngọc Mười: Năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới. Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững.

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận (như gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu gây ra.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp một phần ba lượng điện trên thế giới, ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.

Trong những năm qua, vì nhiều lý do, cân bằng năng lượng điện có dự phòng luôn là thách thức lớn đối ngành Điện. Chính vì thế, tăng cường sử dụng điện từ năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời là một trong những xu thế và định hướng phát triển.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, thời gian qua đã phát triển các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời ở mức công suất lớn trên hệ thống điện quốc gia. Ở quy mô nhỏ hơn, đã có điện mặt trời áp mái nối lưới và không nối lưới.

Khảo sát ở các địa phương, các vị trí khả thi có thể lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà gồm hộ gia đình có nhu cầu, có điều kiện về kinh phí và mái nhà thuận tiện, các trang trại chăn nuôi ở nông thôn. Điện mặt trời vừa sản xuất để dùng, vừa làm mát cho vật nuôi. Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất có nhiều giờ làm việc ban ngày, sẽ tận dụng được mái nhà xưởng, văn phòng. Các cơ quan quản lý nhà nước, hành chính sự nghiệp có phần lớn thời gian làm việc ban ngày, đây là đối tượng tiềm năng nhất, có đủ điều kiện để triển khai đầu tư lắp đặt.

Tuy nhiên, hiện tại việc đẩy mạnh sử dụng điện mặt trời vẫn còn một số khó khăn như vấn đề môi trường, thủ tục, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy… Đơn cử như, đối với ngành Điện quan tâm nhiều đến an toàn cho người và lưới điện, vậy khi thiết kế và tổ chức thi công lắp đặt cho dự án nhỏ và vừa điện mặt trời mái nhà lại chưa có tiêu chí để thiết kế phần hạ tầng mái nhà. Việc xin giấy phép cũng chưa có thông báo cụ thể…

Điện mặt trời mái nhà góp phần cân bằng năng lượng, là phương án tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp và xã hội. Chính vì thế, các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước nên có những chính sách phù hợp, quy trình rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ triển khai để các chủ đầu tư thực hiện thuận lợi.