Thất bại và thái độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bóng đá Việt Nam, dù đã vươn tới những cột mốc lịch sử, nhưng đang trải qua một giai đoạn khó khăn - khó khăn về mặt thành tích!
ĐT Việt Nam đã có 1 năm thi đấu dày đặt, mỏi mệt
ĐT Việt Nam đã có 1 năm thi đấu dày đặt, mỏi mệt

Xét một cách tích cực, điều này dễ chấp nhận hơn nhiều so với việc mất đi niềm tin yêu của người hâm mộ. Nhưng nếu không giải quyết, khó khăn về thành tích sẽ dẫn đến mất mát đi tình yêu.

Bởi nếu những trận thua tại vòng loại cuối cùng World Cup là điều đã được dự báo, thì việc không bảo vệ được danh hiệu vô địch AFF Cup, một cách sòng phẳng, ít nhiều gây thất vọng.

Thất bại chỉ có thể là mẹ thành công, nếu như chúng ta học được điều gì đó từ nó. Vậy, việc vẫn chưa có điểm ở vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 và bị loại bởi Thái Lan ở AFF Cup 2020 cho chúng ta thấy điều gì?

Cầu thủ không phải là cỗ máy

Đầu tiên là về mặt thể chất.

Việc chỉ một bộ khung tập luyện và thi đấu suốt gần 3 năm qua (cùng với nhiệm vụ tại CLB) sẽ khiến cầu thủ quá tải và gặp nhiều rủi ro. Tiến Dũng, Đình Trọng, Văn Hậu, Trọng Hoàng, Hùng Dũng…chỉ là những ví dụ.

Đấy là chưa kể, về lâu dài, mệt mỏi về mặt vật lý tiềm ẩn khiến nguy cơ chấn thương lên cao.

Và rất khó để tính điểm rơi phong độ cho một đội hình được sử dụng liên tục từ giải này qua giải khác. Sẽ có lúc phong độ sẽ rơi xuống đáy, và thất bại là điều hiển nhiên. Nếu bấm ngón tay đếm vội, cũng được 1 bàn tay các cầu thủ không còn là chính mình trong nửa năm qua nhưng vẫn phải thi đấu.

Nên nhớ, để phong độ của các cầu thủ lúc nào cũng cao nhất chỉ có Playstation mà thôi!

Tiếp đến về mặt tinh thần.

Ở đây là cảm hứng thi đấu, là khát khao thể hiện.

Liệu ai có thể dạt dào cảm hứng ra sân khi cơ thể vật lý đã mỏi mệt?

Liệu ai còn khát khao mãnh liệt khi đã no nê danh hiệu, kỷ lục và tiền bạc?

Dù vẫn chừng đó cầu thủ, nhưng đội tuyển Việt Nam khác biệt so với chính mình của năm 2018, 2019 ở điều đó!

Thái độ đón nhận thất bại

Bóng đá suy cho cùng là trò chơi! Nhưng nếu một đội tuyển không có tính hiếu thắng khi vào sân, không có sự cay cú sau thất bại thì chỉ nên đá dưỡng sinh lấy mồ hôi mà thôi.

Người hâm mộ có thể chia sẻ thất bại cùng cầu thủ, nhưng đừng vuốt ve nếu họ thực sự có một màn trình diễn tồi.

Người hâm mộ có thể tin yêu và sát cánh cùng đội tuyển quốc gia nhưng đừng bịt mắt để tung hô những điều quá sự thật.

Người hâm mộ có thể cảm ơn ông Park bởi thành tích vô tiền khoáng hậu ông làm cùng bóng đá Việt Nam, nhưng đừng để tư tưởng sùng bái cá nhân ngự trị.

Với các cầu thủ, đội tuyển Việt Nam đang có một thế hệ “đột biến” so với tầm vóc của nền bóng đá nước nhà. Nhưng mong các bạn:

“Nên biết rằng tất cả kẻ xu nịnh đều sống nhờ vào những người lắng nghe chúng…”

-La Fontaine-

Nhìn vào thực tế

180’ phút đối đầu với Thái Lan tại bán kết AFF Cup 2020, thực sự đội tuyển Việt Nam chỉ có 45’ chơi ấn tượng và lấn lướt. Nhưng vẫn không có bàn thắng!

Đừng nói tới yếu tố may mắn, bởi may mắn là một phần của thực lực.

Đội tuyển Việt Nam vẫn cần học Thái ở sự tinh quái, ở sự lì lợm và cả việc sử dụng nhân sự một cách hiệu quả ở giải đấu có mật độ thi đấu dày đặc.

Trận đấu hôm qua, lần đầu tiên ông Park nêu đích danh những cầu thủ không tuân thủ chiến thuật.

Giải đấu này không ít lần ống kính máy ảnh dừng lại ở biểu cảm có phần suy sụp của huấn luyện viên người Hàn Quốc.

Dường như áp lực cho ông Park đang rất rất lớn!

Hình hài của đội tuyển Việt Nam sau hơn 1 tuần nữa ra sao sẽ phản ánh phần nào thịnh, suy của đội tuyển trong năm 2022 - một năm có nhiều sự kiện!

Đọc thêm