5 năm liền tính toán tiền nong đầu tư xây dựng cơ bản đều dựa trên cơ sở Bộ đơn giá do UBND tỉnh ban hành, "đùng" một ngày, thanh tra vào cuộc phát hiện hóa ra "tay thước" bị "lố".
Bộ đơn giá có “vấn đề”?
Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3, 4 và dự án xây tỉnh lộ 725 đoạn Lộc Bắc - Đạ Tẻh là hai dự án lớn của UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng tỉnh lộ 725 (đoạn Lộc Bắc- Đạ Tẻh) có tổng chiều dài 34,026 km, nhằm nối liền 4 huyện: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh với tổng vốn đầu tư là 422.670 triệu đồng; dự án quốc lộ 28 (đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3,4) có tổng chiều dài 15,32km, là tuyến đường huyết mạch nối liền vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ với các tỉnh cao nguyên, với tổng mức đầu tư là 476.846 triệu đồng. Cả 2 dự án đều sử dụng vốn NSNN và do Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng làm chủ đầu tư.
|
Đường 725 Lâm Đồng. Ảnh: MH |
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra thì sau khi thực hiện dự án, 4,1 tỷ đồng đã “không cánh mà bay” (tỉnh lộ 725 là 2,1 tỷ đồng; quốc lộ 28 là 2 tỷ đồng). Lý giải về sai phạm này, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: “Bộ đơn giá xây dựng công trình, phần xây dựng, do tỉnh Lâm Đồng ban hành năm 2006 đã tính các khoản phụ cấp khác trong chi phí nhân công sai tăng 4% lương cơ bản, dẫn đến làm thất thoát vốn nhà nước tại các dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn”.
Về phía người trong cuộc, ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng trần tình: “Theo nội dung của Thông tư 04/2005/TT-BXD về khoản phụ cấp được tính vào chi phí nhân công, ngoài các khoản phụ cấp lương cố định thì một số khoản phụ cấp khác, như lương phụ tính bằng 12% lương cơ bản và một số chi phí khoán trực tiếp cho người lao động là 4% lương cơ bản, ngoài ra do đặc thù của ngành xây dựng nên hiện nay, phụ cấp không ổn định sản xuất bằng 10% lương cơ bản (tính tổng là 26%).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở phối hợp các ngành liên quan, do Sở LĐTBXH chủ trì, tham mưu cho Ban xây dựng đơn giá. Việc chồng chéo này đã dẫn đến sai phạm trong Bộ đơn giá điều chỉnh”.
Ông Phó giám đốc Sở cũng trích dẫn, tại Thông tư 04/2005/TT-BXD, khoản 1 và 2 nêu rõ: “Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương mà Chủ tịch UBND tỉnh có thể điều chỉnh bổ sung phần chi phí nhân công và chi phí sử dụng máy thi công theo nguyên tắc mức tiền lương tối thiểu. Mức điều chỉnh không quá 2 lần mức lương tối thiểu trong mức lương quy định”.
Việc này dẫn đến tính chi phí nhân công không thống nhất. Cùng thời điểm trên, Ban đơn giá xây dựng đã áp dụng theo Thông tư 21/2003/BLĐTBXH có tính các khoản phụ cấp khác vào đơn giá nhân công là 30% lương cơ bản, bao gồm: bảo hiểm xã hội = 15%, bảo hiểm y tế = 2%; nghỉ hàng năm = 4%; tàu xe đi lại khi nghỉ phép do hai bên thoả thuận không thấp hơn 9%, tóm lại tăng 4% so với Bộ đơn giá của Bộ Xây dựng.
Nhưng điều đáng nói là Bộ đơn giá đã được ban hành hơn 5 năm, thực hiện cho nhiều công trình, tại sao phía cơ quan chức năng Lâm Đồng lại không hề biết mà để đến khi thanh tra thì mới phát hiện ra?. Trách nhiệm này thuộc về ai?.
Xử lý ra sao?
Trước những sai phạm nêu trên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, TS. Phạm Gia Yên đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo lập điều chỉnh chi phí nhân công tại Bộ đơn giá xây dựng công trình kèm theo Quyết định số 43/2006/QĐ-UBND ngày 6/7/2006 theo đúng quy định và phê duyệt Bộ đơn giá xây dựng điều chỉnh. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành lập điều chỉnh dự toán xây dựng công trình toàn bộ các dự án được phê duyệt trên toàn tỉnh theo cách tính phí nhân công trong Bộ đơn giá xây dựng điều chỉnh để báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời gian sớm nhất.
Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải Lâm Đồng cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức kiểm điểm và rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo, cá nhân đã làm sai Bộ đơn giá. Theo đó, thống nhất với các sở, ngành thực hiện mức chi phí nhân công là 26% cho phù hợp.
Đối với việc giá gói thầu tại hai công trình lập dự toán sai quy định gây thất thoát số tiền lớn, TS. Phạm Gia Yên cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm và triệt để. “Ở nước ngoài nghề “đắt tiền” nhất là nghề tư vấn. Vậy nhưng tham mưu mà để thất thoát, lãng phí NSNN thì nhất định phải xứ lý nghiêm”.
Kim Thoa