Thấu tình đạt lý nhờ hòa giải cơ sở

(PLO) - Luật Hòa giải ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.  Từ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đến Luật Hòa giải ở cơ sở là một bước tiến quan trọng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này.
Tổ hòa giải xã Ân Hữu, Hoài Ân, Bình Định
Tổ hòa giải xã Ân Hữu, Hoài Ân, Bình Định
Suýt mất mạng vì con gà đi lạc 
Đến bây giờ, ông Thông, Hòa giải viên thôn Cát Già, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn nhớ như in câu chuyện con gà đi lạc của nhà anh Thịnh. Chẳng là mấy hôm nữa thì đến ngày giỗ bố, anh Thịnh ra chợ làng mua được một con gà trống tía rất ưng ý. Để đề phòng gà xổng chuồng đi mất, anh chặt lông đuôi, lông cánh rồi cẩn thận nhốt gà vào cái bu để ở góc vườn. Ấy thế mà chẳng hiểu sao ngay chiều hôm đó, anh đã thấy con gà ung dung đi lại trong góc sân nhà anh Mạnh. 
Tuy hai nhà là hàng xóm, cũng chưa từng xảy ra điều tiếng gì nhưng xưa nay anh Thịnh ít qua lại nhà anh Mạnh. Biết tính anh Mạnh ham cờ bạc, lại hay qua lại với những người có tiếng là “cộm cán” trong vùng nên dù có tiếc con gà, anh Thịnh cũng chỉ quát tháo vài câu trong nhà cho đỡ bực.
Nhưng chị Nhung vợ anh Thịnh thì không chịu được. Chị ra ngay đầu ngõ kể với mấy bà hàng xóm chuyện “làng này có kẻ nhẫn tâm ăn của cả người chết”. Rồi câu chuyện “ăn của cả người chết” lan nhanh như điện, đến tối thì cả làng đều biết nhà Mạnh “bất nhân, bất nghĩa”. 
Chưa ai hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao thì tối hôm đó cả làng đã được một phen khiếp vía khi anh Mạnh cởi trần, mình đầy xăm trổ, tay lăm lăm con dao bầu quyết sang nhà anh Thịnh “xin tý tiết”. 
Nhận được tin báo, ông Thông và các hòa giải viên của thôn lập tức có mặt để hỏi rõ sự tình. Thấy ông Thông đến, anh Mạnh có phần dịu lại vì ông Thông vốn là người có uy tín trong làng. Ông đề nghị hai nhà cùng ngồi lại để hỏi rõ ngọn ngành. Thì ra, do anh Thịnh không chặn kỹ nên con gà trống tía đã lách được ra khỏi bu, chạy sang sân nhà anh Mạnh kiếm mồi. 
Anh Mạnh tức vì bị vu là ăn trộm gà, “ăn của cả người chết” nên định sang cho anh Thịnh một trận. Còn chị Nhung vì tiếc con gà nên trong lúc “loan tin” với các bà hàng xóm đã nhỡ miệng nói nhiều câu xúc phạm tới nhà anh Mạnh. 
Hiểu ra câu chuyện, ông Thông nhẹ nhàng phân tích cái hơn, cái thiệt, cái lý, cái tình cho chị Nhung, anh Mạnh. Lúc này, chị Nhung mới tiếc giá như mình đừng vội vàng “nhỏ to, buôn chuyện” mà sang ngay nhà anh Mạnh hỏi kỹ ngọn ngành thì mọi chuyện đã không nên nỗi. Nghe chị Nhung xin lỗi, anh Mạnh vui vẻ gọi ngay con trai mang gà sang trả lại anh Thịnh và còn hứa đến ngày giỗ bố anh Thịnh nhất định sẽ sang ăn cỗ. 
Chuyện “bé xé ra to” như con gà đi lạc của nhà anh Thịnh chỉ là một trong vô vàn câu chuyện mà hàng ngày các hòa giải viên ở cơ sở phải miệt mài hóa giải. 
Giảm nhiều áp lực cho Tòa án 
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, những tranh chấp liên quan đến đất đai, xây dựng đứng đầu bảng các loại mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Tiếp đến là các tranh chấp khác về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, rồi mới đến tranh chấp nhỏ giữa hàng xóm, đánh nhau, xô xát, trộm cắp vặt…. 
Hoạt động hòa giải cơ sở là hoạt động tự nguyện của các bên, tự nguyện tham gia hòa giải, tự nguyện thỏa thuận và tự nguyện thi hành các thỏa thuận đó. Tuy hòa giải cơ sở là một công việc tương đối đơn giản, không phức tạp nhưng đây là những công việc góp phần giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm pháp luật, tranh chấp không lớn trong nội bộ quần chúng nhân dân, là tiền đề cho việc ngăn ngừa phát sinh các tội phạm hình sự, tranh chấp phức tạp về dân sự và các vi phạm pháp luật khác, hạn chế các đơn thư khiến kiện của người dân,  giảm áp lực xét xử cho cơ quan Tòa án một khi kết quả hòa giải thành. Báo cáo Dự án 
“Khảo sát xã hội về hoạt động hòa giải cơ sở” giai đoạn 1999 – 2008 cho thấy, số vụ hòa giải thành công ở cấp cơ sở chiếm 80,3%, tương đương với hơn 310.000 vụ việc. Bởi vậy, nếu công tác hòa giải càng phát huy tác dụng thì số vụ việc chuyển lên Tòa án càng giảm. 
Ở một nước mà quan niệm “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” được coi trọng như ở nước ta thì hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ luôn là sợi dây vô hình, bền chặt, góp phần kết nối và giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc. 

Đọc thêm