“Trên bảo gì, dưới nghe nấy”?
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ, không ít nhà giáo hiện nay chịu rất nhiều áp lực. Đó là thi cử, bệnh thành tích, bạo lực học đường là những vấn đề đang làm mất niềm tin vào ngành giáo dục và áp lực đối với các nhà giáo. Do đó, không ít giáo viên hiện nay dù hết sức nghiêm túc nhưng không có động lực, không có năng lực để tự thay đổi mình.
Khi mà thầy cô năm này qua năm khác là những “thợ dạy” lý thuyết để phục vụ thi cử. Bởi thế, thầy Lâm cho rằng, cần phải có các biện pháp tác động vào nội lực của các nhà giáo, chứ hiện nay vẫn ở tình trạng trông chờ “trên bảo gì, dưới nghe nấy”.
Còn ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhìn nhận, khác với ngành nghề khác, xã hội luôn mong muốn các thầy cô giáo phải là người chuẩn mực. Các thầy cô lên lớp dạy học sinh bằng niềm tin của xã hội, bằng nhân cách cá nhân bên cạnh chuyên môn sư phạm. Bởi thế, ông Dũng mong xã hội nhìn nhận một cách công bằng, chia sẻ, hỗ trợ với các nhà trường và các thầy cô để xây dựng hình ảnh các thầy cô đúng nghĩa.
Đồng thời, ông cảnh báo sự chủ quan của các nhà trường và của các hiệu trưởng: Chỉ sau một thời gian làm việc, ở các trường công lập có việc các hiệu trưởng sao nhãng, các thầy cô khi ấy đã quen việc và vận hành trơn tru. Thế nhưng trong giáo dục, với sự phát triển của xã hội hiện nay, nếu vận hành năm sau như năm trước, không có gì thay đổi thì đang tụt hậu so với yêu cầu chung. Đối với trường công lập, sự thay đổi của giáo viên cũng như cấp quản lý thường rất chậm.
Theo ông Dũng, vai trò cá nhân của các hiệu trưởng có tác động trực tiếp tới các hoạt động chung của nhà trường. Ở các trường công lập, sự thay đổi của giáo viên, cán bộ quản lý rất chậm. Do đó, nếu năm sau vẫn hoạt động như năm trước tức là đang tụt hậu so với yêu cầu chung. Bản thân giáo viên dễ mang tính bảo thủ, chậm thay đổi vì thói quen, do tính chất nghề nghiệp là vì thế…
Thầy cô gác lại mọi buồn bực ngoài cổng trường
Tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), bên cạnh khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, còn có khẩu hiệu “Hạnh phúc khi được làm việc”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ: “Ở Trường Đoàn Thị Điểm, học sinh lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Học sinh thân thiện với hiệu trưởng, trò chuyện với hiệu trưởng một cách rất thoải mái. Chúng nhìn thấy cô hiệu trưởng là chạy lại tíu tít nắm tay, trò chuyện. Với tôi đó thực sự là môi trường hạnh phúc bởi học sinh không “né’” khi nhìn thấy lãnh đạo”.
Theo bà Hiền, từ khi mới thành lập, khi cơ sở vật chất còn nghèo nàn, ngày mưa các giáo viên của trường đã cõng từng học sinh từ lớp học ra cổng trường để phụ huynh đón con.
Và với khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu của học sinh mà còn là của giáo viên. Bởi giáo viên có vui thì mới chuyển tải được kiến thức tới cho học sinh. Tôi vẫn nhắc các giáo viên của mình, đến cổng trường thì nên gác lại mọi lo lắng, buồn phiền. Chỉ khi thầy cô vui, mới tạo ra môi trường vui vẻ cho học trò mình…
Ở góc độ khác, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhà sáng lập Chương trình toán Pomath cho rằng, tâm lý tích cực là nền tảng quan trọng để tạo ra dòng chuyển mềm mại trong các nhà trường. Từ đó mỗi nhà giáo sẽ áp dụng thói quen hay kỹ năng được học để phát huy nội lực.
Từng đến thăm hơn 1.000 trường học ở Việt Nam, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận thấy có khoảng cách lớn giữa đội ngũ ở các trường. Vẫn tồn tại một thực tế, người tích cực luôn luôn tích cực. Trong khi ở môi trường giáo dục, chỉ cần 1 giáo viên làm sai, thì trường không thể phát triển được. “Bền bỉ, bền bỉ và bền bỉ”, là công thức giúp thay đổi. Điều quan trọng nhất là các giáo viên phải tự thay đổi. Đặc biệt, thay vì kiểm soát, hãy tạo động lực cho các nhà giáo.