Chuyển hướng bán hàng online
Kể từ 18h ngày 24/3/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã ký quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ 30 người trở lên. Trước tình thế này, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh ngành nhà hàng đã phải đóng cửa. Nhiều đơn vị, để duy trì đã chuyển sang hình thức chỉ bán mang đi.
Trên các ứng dụng nổi tiếng như Now hoặc Grabfood hiện nay, 2/3 số cửa hàng phục vụ ăn uống đã tạm ngưng hoạt động. Phần còn lại là những cửa hàng có truyền thống phù hợp với việc giao hàng tận nơi.
Thời điểm này, ứng dụng Grabfood cũng đưa ra lời cảnh báo đối với các thực khách về việc giữ gìn khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người giao hàng. Mỗi lần khách hàng đặt hàng sẽ nhận được tin nhắn về yêu cầu riêng đối với tài xế, ví dụ như tài xế có thể đặt thức ăn tại một địa điểm cố định trước nhà khách, sau đó rời đi và khách tự ra lấy. Chính vì vậy, việc mua hàng thanh toán online được khuyến khích sử dụng.
Cho đến thời điểm này, rất nhiều quán cà phê trên địa bàn thành phố đã đóng cửa. Đặc biệt là các quán cà phê sân vườn, có khả năng tương tác cao giữa các khách ngồi uống cà phê. Những quán cà phê thuộc các chuỗi nổi tiếng cũng đã từ chối tiếp nhận khách đến uống tại quán như Highlands Coffee, Coffee House, Trung Nguyên…
Thay vào đó là tăng cường việc giao hàng online. Những thông báo này được đưa ra trên fanpage, website chính thức của các cửa hàng. Đồng thời, nhiều cửa hàng còn chọn cách đặt biển trước nơi kinh doanh hoặc cho bảo vệ đứng ngăn chặn khách ra vào.
Chị Phạm Bảo Ân – chủ một cửa hàng thuộc chuỗi nhượng quyền King Coffee cho biết, dự định mở quán cà phê của chị có từ trước mùa dịch. Giữa thời điểm dịch diễn ra, vì mọi thứ đã chuẩn bị hết nên chị vẫn tiến hành mở tiệm.
Nhưng thay vì để khách đến quán uống thì chị tập trung qua mảng take away để thích ứng với tình hình. Cửa hàng King coffee của chị Ân đã đặt một quầy bán cà phê take away trước cửa hàng để đón khách mua mang đi, đồng thời cảnh báo khách về việc không nên uống tại chỗ.
Cạnh đó, một số cửa hàng món ăn truyền thống trên địa bàn thành phố như vịt quay, các loại chè danh tiếng… cũng đóng cửa, với biển hiệu treo trước cửa hàng: “Chúng tôi chỉ phục vụ mua mang đi”. Đồng thời, nhân viên đứng trước cửa hàng đeo khẩu trang và bảo hộ đầy đủ để thông báo cho khách và nhận đơn hàng. Sau khi thực phẩm đã chuẩn bị xong sẽ đưa ra cho khách với một khoảng cách an toàn.
Với xu hướng chuyển sang phục vụ take away, nhiều nhà hàng trước giờ chú trọng bán tại chỗ, hiện nay đã chuyển đổi lực lượng phục vụ thành lực lượng đóng gói và giao hàng. Một số thương hiệu cũng chủ trương thay đổi lại mẫu mã của các loại bao bì đóng gói nhằm giúp thực phẩm được vệ sinh, sạch sẽ hơn và bắt mắt, thu hút thực khách hơn.
Tất nhiên, việc take away có thể khá đơn giản với một số loại hình thực phẩm. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng lớn, có quy mô rộng, phục vụ thực khách không chỉ bằng thực phẩm mà còn bằng không gian, âm nhạc… thì khá khó khăn trong việc chuyển đổi. Đa số các loại hình nhà hàng thưởng thức tại chỗ đã phải đóng cửa do gánh nặng chi phí mặt bằng mà không thể thích ứng được.
Cơ hội thay đổi thói quen mua sắm
Bên cạnh ngành hàng thực phẩm nấu chín thì các nhu yếu phẩm và thực phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình tại các siêu thị, cửa hàng, quầy bán lẻ cũng đang chuyển hướng sang kinh doanh online. Ứng dụng Grab, Now, GoViet đã chứng kiến sự cập nhật của rất nhiều chuỗi cửa hàng và siêu thị. Riêng Grabfood đã cập nhật hẳn một thanh công cụ dành riêng cho online market.
Điều này xuất phát từ tình hình thực tế, người dân hạn chế ra đường và lo ngại khi đến những tụ điểm đông người. Chị Lê Hoàng Thảo Nguyên - nhân viên kế toán của một công ty nhập khẩu thực phẩm Hàn Quốc tại Gò Vấp, TP HCM - cho biết: “Trước kia, hàng tuần tôi vẫn đi siêu thị. Vào thời điểm đầu tháng 3 vẫn còn giữ thói quen này. Tuy nhiên đến bây giờ, tôi buộc phải thay đổi thói quen và lên các ứng dụng để mua thực phẩm qua mạng để được giao hàng tận nơi.
Thực ra, việc mua thực phẩm và nhu yếu phẩm qua mạng có mặt thuận lợi và hạn chế. Việc đặt mua tại nhà sẽ khiến chúng ta không phải ra ngoài đường, không cần phải đến chỗ đông đúc, xếp hàng chen chúc, tăng nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng được cập nhật trên online. Đồng thời, việc mua hàng thực tế sẽ nắm bắt được tình hình của thực phẩm, được lựa chọn thực phẩm theo chất lượng và ý thích… Tuy nhiên, vào mùa dịch này, những hạn chế đó chỉ là chuyện nhỏ”.
Hệ thống siêu thị Co.opmart (thuộc Saigon Co.op) cũng đã triển khai thực hiện vận chuyển nội thành miễn phí cho các hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng. Ngoài ra, những khách hàng thân thiết của hệ thống này cũng có thể sử dụng điện thoại để gọi đến các siêu thị gần nhất đặt hàng và được giao miễn phí tại nhà. Tương tự, hệ thống siêu thị Big C cũng đang đẩy mạnh hệ thống bán hàng online và bán hàng qua điện thoại. Big C miễn phí giao hàng với đơn hàng 200.000 đồng trở lên.
Theo khuyến cáo từ phía Chính phủ, việc đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, giao hàng chính là động thái đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh. Có lẽ, sau khi kết thúc dịch thì người dân sẽ có những chuyển biến mới trong cách thức mua sắm trực tuyến. Những khó khăn trong mùa dịch có lẽ sẽ là bước ngoặt cho việc chuyển đổi từ mua sắm tại chỗ sang thói quen mua sắm trực tuyến của người dân theo xu hướng của quốc tế.
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op:
“Trước nhu cầu mua sắm của khách hàng giữa mùa dịch, Saigon Co.op cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong thời điểm hiện tại, đồng thời liên kết cùng nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm, nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mua sắm tích trữ.
Dịp này Saigon Co.op tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cho hàng ngàn mặt hàng. Đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hơn 100 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước đã phối hợp cùng nhà sản xuất, nhà cung ứng trong và ngoài nước đồng loạt giảm giá mạnh tập trung cho các mặt hàng đồ khô, thực phẩm dễ tích trữ như mì gói, gạo, phở khô, bún khô, cháo gói…”.