Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Phiên họp 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (23/3), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”; nhưng một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ là cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất: tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành.
Bởi hiện nay việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị nên giữ lại ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê, vì thời gian qua, hoạt động loại hình này có phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, vì chúng ta chưa quy định rõ ràng và chặt chẽ nên thời gian qua có một số biến tướng, lợi dụng. “Vì thế chúng ta nên quy định thêm điều kiện, quy định cho chặt chẽ hơn chứ không đồng ý bỏ loại hình kinh doanh này”- Ông Chiến nói, đồng thời đề xuất nên xem xét sửa đổi tên kinh doanh hoạt động đòi nợ thuê bằng tên khác “nghe nhân văn hơn”, có thể là là hoạt động kinh doanh xử lý nợ.
Đồng tình với ý kiến của ông Hà Ngọc Chiến, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện, khẳng định: không phải cứ thấy khó quản là cấm mà nên tăng mức xử phạt cao hơn đối với hành vi lợi dụng đòi nợ thuê để trục lợi hoặc gây mất trật tự an toàn xã hội.
Còn Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiều năm qua Việt Nam đã vận động các nước công nhận chúng ta là nền kinh tế thị trường, do đó không nên cấm hoạt động kinh doanh này. “Thay vì cấm tại sao chúng ta không đề xuất thêm phương án hoàn thiện các chế tài để hạn chế những mặt tiêu cực của hoạt động đòi nợ thuê”- ông Phúc đặt vấn đề.
Trái ngược với những quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc đòi nợ, vay mượn là hợp đồng dân sự. “Khi đã là hợp đồng dân sự thì đã có các thiết chế để giải quyết nếu xảy ra tranh chấp, như Tòa án, trọng tài, hòa giải…. Tại sao “anh” không dùng tất cả những thiết chế hiện có để bảo vệ quyền lợi của mình mà lại qua một tổ chức đòi nợ thuê?
“Bên cạnh đó, bước đầu khi thực hiện thì chúng ta hình dung đây là loại hình có thể giải quyết được những tồn tại trong thực tế, nhưng qua thực tế chứng minh đã không mang lại hiệu quả tốt hơn với việc cấm... Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý với quy định cấm hoạt động đòi nợ thuê”- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại Phiên họp. |
Là cơ quan soạn thảo, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận quy định này hiện vẫn còn không ít băn khoăn. Chúng ta hiện đang có 217 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê và chủ yếu hoạt động ở Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không có các biện pháp lành mạnh mà chủ yếu là sử dụng xã hội đen để dằn mặt, de dọa con nợ; mặt khác hoạt động trên đóng góp cho nền kinh tế không nhiều. “Việc thiết chế một cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ là rất khó và thách thức lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Nhưng nếu Quốc hội quyết định thì chúng tôi sẽ phối hợp nghiên cứu làm sao để quy định phù hợp và chặt chẽ hơn”- ông Dũng cho biết.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, trong điều kiện hiện nay, dịch vụ đòi nợ là thực tế, dù có việc một số đối tượng lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng doạt tài sản người khác.
Nguyên nhân của việc biến tướng, theo Chủ tịch Quốc hội là do chúng ta quản lý kém. “Đây là cơ chế thị trường, là thực tế, nên tôi không đồng ý cấm. Nhưng phải có quy định chặt chẽ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và đề cao trách nhiệm của Nhà nước, chứ không phải quản không được thì cấm”- Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ./.